Tỷ phú Elon Musk đổi số điện thoại sau căng thẳng với ông Trump
Tỷ phú Elon Musk - người từng có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump - đổi số điện thoại và không còn phản hồi tin nhắn từ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.
“Tôi đã gửi cho ông Elon Musk một tin nhắn rất dài nhằm giải thích về lợi ích của đạo luật chi tiêu 'to lớn và đẹp đẽ' (One Big, Beautiful Bill). Nhưng sau đó tôi được biết ông ấy đã đổi số điện thoại. Tôi đang nhắn vào khoảng không. Nhưng tôi hy vọng rằng mình sẽ có cơ hội được gặp trực tiếp ông Musk,” RT dẫn chia sẻ của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trong podcast “Pod Force One” của New York Post được công bố ngày 16/7.
Theo Chủ tịch Mike Johnson, ông đang cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk. “Mục tiêu của chúng tôi là giúp ông Musk hiểu rõ những gì chính phủ muốn hướng tới,” ông Johnson nói.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tại Washington ngày 16/7. Ảnh: X/@HouseAdmin
Reuters cho biết đạo luật “One Big, Beautiful Bill” được Tổng thống Donald Trump thông qua sẽ bổ sung các khoản khấu trừ thuế mới, với tổng chi phí ước tính lên tới 4.500 tỷ USD. Đạo luật phân bổ hàng trăm tỷ USD cho các chương trình an ninh biên giới và quốc gia, đồng thời cắt giảm mạnh ngân sách dành cho Medicaid (hỗ trợ người thu nhập thấp), hỗ trợ lương thực.
Bên cạnh đó, đạo luật này cũng chấm dứt các khoản tín dụng thuế cho xe điện mới và đã qua sử dụng vào ngày 30/9, gây ảnh hưởng trực tiếp tới công ty Tesla của ông Musk.
Tỷ phú Elon Musk đã chỉ trích gay gắt đạo luật “One Big, Beautiful Bill”, thường xuyên cảnh báo trên nền tảng X rằng đạo luật ngân sách này “sẽ khiến nước Mỹ phá sản”.
“Đạo luật mới sẽ phá hủy hàng triệu việc làm ở Mỹ, gây tổn thất nghiêm trọng cho đất nước. Đạo luật cho phép rót tiền cho những ngành công nghiệp của quá khứ, trong khi làm tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển của tương lai,” ông Musk viết trên mạng xã hội X.
Ngoài việc lên án đạo luật ngân sách mới, CEO của Tesla cũng khiến căng thẳng với Tổng thống Trump leo thang khi tuyên bố thành lập đảng mới mang tên "Nước Mỹ" vào đầu tháng 7. Tỷ phú Elon Musk cho biết đảng của ông sẽ nhắm đến đợt bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào năm sau, với mục tiêu giành từ 2 - 3 ghế tại Thượng viện và 8 - 10 ghế tại Hạ viện, qua đó nắm lá phiếu quyết định đối với các dự luật quan trọng.

Tỷ phú Elon Musk và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 31/5. Ảnh: Nhà Trắng
Về phía Tổng thống Trump, người đứng đầu Nhà Trắng nhận định rằng tỷ phú Elon Musk đang ngày càng đi chệch hướng và thành lập đảng thứ ba ở Mỹ chỉ khiến tình hình thêm rối ren.
“Tôi rất buồn khi chứng kiến ông Elon Musk ngày càng ‘trật đường ray’, trở thành một ‘thảm họa tàu hỏa’ thực sự trong thời gian qua. Ông ta thậm chí còn muốn thành lập một đảng chính trị thứ ba, bất chấp thực tế là các đảng phái kiểu này chưa từng thành công ở Mỹ,” Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 7/7.
Theo ông Trump, CEO của Tesla đã biết về đạo luật trên từ trước và “không có vấn đề gì”.
“Tôi đã vận động cho chính sách này suốt hai năm qua. Và thành thật mà nói, khi ông Elon Musk công khai ủng hộ tôi hoàn toàn và không điều kiện, tôi đã hỏi liệu ông ta có biết rằng tôi sẽ xóa bỏ chính sách xe điện bắt buộc hay không – điều mà tôi nhắc đi nhắc lại trong mọi bài phát biểu và cuộc trò chuyện. Ông Elon bảo ông ta không có vấn đề gì với điều đó, điều đó khiến tôi rất bất ngờ!” người đứng đầu Nhà Trắng chia sẻ.
Quy định bắt buộc về xe điện (EV Mandate) mà Tổng thống Donald Trump đề cập là chính sách yêu cầu các nhà sản xuất ô tô bán một tỷ lệ nhất định xe điện (EV) trong tổng số xe họ bán ra, nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tùy từng bang và chính quyền liên bang Mỹ, tỷ lệ này được tăng dần theo năm.