U22 Việt Nam: Vì sao HLV Kim Sang Sik dốc hết vốn liếng?
HLV Kim Sang Sik quyết định 'dốc hết vốn' đối với U22 Việt Nam cho giải U23 Đông Nam Á khiến CĐV đặt câu hỏi: chiến lược gia người Hàn Quốc thực sự đang toan tính điều gì?
Đội hình mạnh nhất
Trước thềm giải U23 Đông Nam Á với tư cách đội ĐKVĐ, HLV Kim Sang Sik đã công bố danh sách 35 cầu thủ chuẩn bị cho giải đấu sắp diễn ra ở Indonesia.
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng bản danh sách U22 Việt Nam mà ông Kim Sang Sik đưa ra có sức nặng hơn bất kỳ đội U23 nào tham dự giải đấu lần này.
Những cái tên như Khuất Văn Khang, Thái Sơn, Đình Bắc, Quốc Việt không chỉ là ngôi sao ở cấp độ trẻ mà còn sở hữu kinh nghiệm thi đấu dày dạn ở V-League, giải hạng Nhất lẫn tuyển Việt Nam.
Việc tập hợp một "Dream Team" như vậy rõ ràng cho thấy mục tiêu của HLV Kim Sang Sik không gì khác ngoài chức vô địch, dựa trên phương án an toàn với các cầu thủ tốt nhất trong độ tuổi.

HLV Kim Sang Sik triệu tập đội hình mạnh nhất để tham dự giải U23 Đông Nam Á
Toan tính của HLV Kim Sang Sik
Ở góc nhìn thực dụng, HLV Kim Sang Sik hiểu rõ: chiến thắng luôn là động lực cho quá trình xây dựng niềm tin và nếu vô địch thuyết phục sẽ giúp đội nhà hướng đến SEA Games (vốn diễn ra sau giải U23 Đông Nam Á ít tháng) một cách tự tin nhất.
Tuy nhiên, chính sự an toàn này lại làm dấy lên những tranh cãi. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là: Có thực sự cần thiết phải "dùng dao mổ trâu để giết gà"?
Giải U23 Đông Nam Á, dù sao đi nữa, vẫn luôn được xem là một sân chơi mang tính thử nghiệm nên đây lẽ ra phải là cơ hội vàng để trình làng những gương mặt mới, những "viên ngọc thô" đang cần được mài giũa thay vì dốc hết vốn như đã thấy.

HLV Kim Sang Sik toan tính gì với quyết định của mình?
Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao. Việc tìm kiếm một lớp kế cận đủ sức gánh vác trọng trách trong tương lai là nhiệm vụ cấp bách.
Thay vì trao cơ hội cho những cầu thủ tiềm năng ở các CLB, những người đang khát khao thể hiện mình, HLV Kim Sang Sik lại chọn những cái tên đã quá quen thuộc dẫn tới những rủi ro có thể xảy ra.
Thứ nhất, nó làm lãng phí một cơ hội quý báu để kiểm tra và phát hiện nhân tố mới, phục vụ cho những mục tiêu dài hạn và quan trọng hơn như SEA Games 33 vào cuối năm hay VCK U23 Châu Á sắp tới.
Thứ hai, việc vắt sức các trụ cột ở một giải đấu không quá quan trọng có thể dẫn đến tình trạng quá tải, chấn thương, ảnh hưởng đến cả CLB chủ quản và chính các giải đấu lớn hơn của tuyển Việt Nam.
Rốt cuộc, lựa chọn “tất tay" cho sân chơi Đông Nam Á có thể đem lại một chức vô địch nữa. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa tiềm ẩn nguy cơ cản bước tiến bền vững đối với bóng đá Việt Nam trong giai đoạn rất nhiều ĐTQG trong khu vực đang chạy theo trào lưu nhập tịch.