Úc-Ấn thắt chặt quan hệ nhằm đối phó với Trung Quốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison sẽ có cuộc gặp cấp cao trực tuyến đầu tiên vào ngày 4.6 nhằm tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn về quốc phòng, thương mại và giáo dục trong bối cảnh chính sách đối ngoại ngày càng độc đoán của Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison trong cuộc hội đàm hồi năm 2018 - Ảnh: EPA

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison trong cuộc hội đàm hồi năm 2018 - Ảnh: EPA

Theo dự kiến, hai bên sẽ ký một thỏa thuận cấp quyền hợp tác đối ứng vào các căn cứ quân sự để hỗ trợ và thỏa thuận hậu cần nhằm phát triển chuỗi cung ứng mới trong các ngành công nghiệp chính, như đất hiếm và khoáng sản, cũng như thảo luận về hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, giáo dục và tài nguyên hàng hải.

Thủ tướng Úc cũng có thể sẽ nhắc lại mong muốn của Canberra trong việc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar hằng năm với Mỹ và Nhật Bản. Ông Morrison, người đã hủy chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 1 giữa lúc khủng hoảng cháy rừng tại Úc, hôm 31.5 vừa qua bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước là chìa khóa cho sự cởi mở, thịnh vượng và bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước những tham vọng hàng hải đang gia tăng của một số thế lực.

Ông Ian Hall, chuyên gia tại Đại học Melbourne (Úc) cho biết việc ký kết thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ cho phép các tàu của Úc và Ấn Độ có thể được tiếp nhiên liệu và bổ sung thứ cần thiết tại các cảng của nhau, thực hiện các cuộc tập trận chung hoặc thậm chí là tuần tra dễ dàng hơn.

Sự thúc đẩy thúc đẩy mối quan hệ Ấn - Úc diễn ra vào thời điểm lo lắng gia tăng, với căng thẳng thương mại leo thang giữa Canberra và Bắc Kinh và một cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya.

Chính quyền New Delhi đang lo ngại về các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này ở Ấn Độ Dương, còn Canberra lo ngại về căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung - Mỹ và nguy cơ không mong muốn là phải lựa chọn hoặc hoặc đồng minh hoặc đối tác thương mại hàng đầu.

Bắc Kinh hồi đầu tháng này đã áp dụng mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc và đình chỉ nhập khẩu từ 4 nhà sản xuất nông nghiệp Úc, trong các động thái được cho là nhằm trả đũa việc Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của dịch COVID-19.

Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide, Purnendra Jain, cho biết mối quan ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc liên quan đến thương mại, du lịch ở Úc đang ngày càng tăng. Các trường đại học của Úc đang dựa vào rất nhiều từ nguồn doanh thu của việc tuyển sinh viên Trung Quốc.

Trong khi đó, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi binh sĩ 2 nước này ở vùng biên giới đã đụng độ với nhau vào hôm 5.5. Vụ việc tại khu vực tranh chấp biên giới vốn luôn tiềm ẩn rủi ro này đã nóng lên với nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa 2 cường quốc châu Á. Trong vài tuần qua, cả hai nước đều tăng cường lực lượng và thiết bị hạng nặng đến biên giới.

New Delhi trong những năm gần đây đã tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia cảnh giác với Bắc Kinh, và tham gia QUAD - Đối thoại an ninh 4 bên, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng đối với các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Đứng trước một Trung Quốc ngày càng độc đoán, Ấn Độ và Úc phải xích lại gần nhau. Lựa chọn nhau làm đối tác để tiến hành hội nghị thượng đỉnh song phương trực tuyến đầu tiên, cả New Delhi và Canberra đều đang hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương lên ưu tiên hàng đầu.

“Quan hệ Ấn Độ - Úc đang phát triển và sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ hơn, dựa trên sự chia sẻ giá trị và lợi ích. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước nên truyền tải động lực lớn hơn vào các nỗ lực tăng cương hợp tác an nhinh và duy trì trật tự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Hemant Krishan Singh, từng là Đại sứ Ấn Độ tại các nước Nhật Bản, Indonesia và Colombia cho hay.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/quoc-te-c-185/goc-nhin-c-214/uc-an-that-chat-quan-he-nham-doi-pho-voi-trung-quoc-139114.html