Ukraine chọn hướng đi nào khi Mỹ tạm dừng gửi vũ khí?

Giới lãnh đạo cũng như binh sĩ Ukraine đang rất lo ngại sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ tạm dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh Nga tăng cường tiến công.

Từ tiền tuyến Ukraine, tin Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm ngừng chuyển giao một số hệ thống đánh chặn phòng không và nhiều loại vũ khí khác cho Kiev - với lý do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt - đã gây xáo động đáng kể, theo tờ The New York Times.

Thông điệp rõ ràng từ Mỹ

Ngày 2-7, ông Oleh Voroshylovskyi - chỉ huy một đơn vị Ukraine chuyên bắn hạ máy bay không người lái (UAV) - cho biết đơn vị của ông vài tháng trước đã nhận được một loại vũ khí Mỹ vô cùng cần thiết để hỗ trợ nhiệm vụ, đó là súng máy Browning có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 1,6 km.

Không chỉ giúp đơn vị nhắm mục tiêu vào UAV Nga ở độ cao lớn hơn, khẩu súng còn mang tính biểu tượng, thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, sau thông báo từ chính quyền Mỹ, ông Voroshylovskyi không còn chắc chắn về tương lai của vũ khí trên chiến trường Ukraine.

“Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả chiến đấu” - ông Voroshylovskyi nói với The New York Times.

 Binh sĩ Ukraine tại tỉnh Dnipropetrovsk. ẢNH: THE NEW YORK TIMES

Binh sĩ Ukraine tại tỉnh Dnipropetrovsk. ẢNH: THE NEW YORK TIMES

Những lô vũ khí hiện đang bị hoãn đều được phân bổ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Trump chưa phê duyệt gói viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine. Washington đã cam kết chuyển giao tới 11 tỉ USD vũ khí và thiết bị cho Kiev trong năm nay.

Trong số các loại đạn dược đang bị giữ lại có tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, đạn pháo dẫn đường chính xác và các loại tên lửa khác mà Ukraine sử dụng trên tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.

Theo giới quan sát, dù chưa rõ có bao nhiêu vũ khí nằm trong danh sách bị hoãn, Mỹ dường như muốn gửi đi thông điệp rằng Washington không muốn can dự vào cuộc chiến.

“Ukraine không còn là ưu tiên, không còn là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ nữa. Ít nhất thì ông Trump đã rất thẳng thắn về điều này với người Ukraine” - theo bà Solomiia Bobrovska, thành viên ủy ban quốc hội Ukraine về quốc phòng và tình báo.

Giới chức Ukraine dường như bị bất ngờ trước thông báo. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc tạm ngừng viện trợ và đã “yêu cầu một cuộc điện đàm với các đối tác Mỹ để làm rõ thêm chi tiết”.

Chưa rõ việc tạm dừng này sẽ ảnh hưởng đến Ukraine sâu tới mức nào, bởi hiện tại nước này vẫn đang nhận được vũ khí từ châu Âu và tự sản xuất vũ khí trong nước.

Giai đoạn thách thức

Đây là thời điểm đặc biệt bấp bênh đối với Ukraine, vì Nga đang tăng cường đợt không kích quy mô lớn. Ukraine báo cáo rằng Moscow thường xuyên phóng hàng trăm UAV chỉ trong một đêm, sau đó là các tên lửa đạn đạo uy lực mà chỉ có tên lửa Patriot mới có thể đánh chặn.

 Một tòa nhà ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) trúng tên lửa hồi tháng 5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một tòa nhà ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) trúng tên lửa hồi tháng 5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ukraine đã cho thấy mức độ lo ngại khi ngay lập tức triệu tập Đại biện Mỹ tại Kiev - ông John Ginkel để thảo luận về “viện trợ quân sự và hợp tác quốc phòng với Mỹ”.

“Phía Ukraine nhấn mạnh rằng bất kỳ sự trì hoãn hoặc chậm trễ nào trong việc hỗ trợ năng lực phòng vệ của Ukraine sẽ chỉ khuyến khích kẻ tấn công tiếp tục chiến tranh, thay vì tìm kiếm hòa bình”- theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine.

Nhiều nghị sĩ Ukraine cũng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Nhà Trắng, cảnh báo rằng điều này sẽ chỉ tạo điều kiện để Điện Kremlin gây thêm nhiều tổn thất cho Kiev.

Đây là lần tạm dừng thứ hai kể từ khi ông Trump quay trở lại nắm quyền. Hồi tháng 3, Nhà Trắng từng tạm thời ngưng toàn bộ viện trợ quân sự cho Ukraine sau một cuộc gặp căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Kể từ đó, các dấu hiệu về việc chính quyền ông Trump rút lui khỏi cuộc chiến ngày càng rõ rệt, đơn cử là việc vấn đề Ukraine không nằm danh sách ưu tiên tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tuần trước ở The Hague (Hà Lan).

Ukraine hiện sở hữu tám hệ thống Patriot, trong đó sáu hệ thống đang hoạt động, chủ yếu để bảo vệ thủ đô Kiev. Nhưng lượng đạn dược đang cạn dần và việc tạm dừng viện trợ sẽ khiến việc bảo vệ TP trở nên khó khăn hơn nhiều, theo bà Bobrovska.

“Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng” - chính trị gia này nói thêm.

Ukraine tự lực hướng đi mới

Sau khi Mỹ tạm dừng toàn bộ việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine hồi tháng 3, các nhà phân tích ước tính rằng Ukraine có thể duy trì cuộc chiến trong khoảng từ bốn đến sáu tháng. Chính quyền ông Trump đã dỡ bỏ lệnh tạm dừng đó sau khoảng một tuần, và các lô hàng vũ khí được nối lại.

Nhận thấy rằng chính quyền Tổng thống Trump khó có khả năng cam kết viện trợ quân sự thêm, Kiev đã chuyển sang một chiến lược khác, tuyên bố sẵn sàng mua vũ khí của Mỹ thay vì nhận viện trợ.

Ông Zelensky hồi tháng 4 cho biết ông sẵn sàng mua 10 hệ thống Patriot với giá khoảng 15 tỉ USD.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước, ông Trump gợi ý rằng ông sẵn sàng gửi thêm hệ thống Patriot cho Ukraine, dù chưa rõ ông nói đến cả hệ thống Patriot hay chỉ là đạn dược cho hệ thống và liệu chúng sẽ được tặng hay bán.

Để bù đắp cho sự sụt giảm trong nguồn cung vũ khí từ Mỹ, Ukraine gần đây đã khởi động các chương trình sản xuất vũ khí chung với các đồng minh châu Âu như Anh, Đan Mạch và Na Uy. Theo sáng kiến này, vũ khí sẽ được sản xuất tại các quốc gia đó hoặc ngay tại Ukraine, với phần tài chính do các nước đồng minh cung cấp và Ukraine đóng góp kỹ thuật.

Ông Voroshylovskyi, chỉ huy đơn vị chống UAV, khẳng định rằng Ukraine có thể chịu đựng được đợt tạm ngừng viện trợ mới nhất từ Mỹ dù cái giá phải trả sẽ rất đắt.

“Chúng tôi sẽ tìm được vũ khí nhưng sẽ khó khăn hơn. Nhiều người nữa sẽ thiệt mạng” - theo ông Voroshylovskyi.

Nga lên tiếng chuyện Mỹ dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine

Ngày 2-7, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho rằng việc phương Tây cắt giảm hoặc chấm dứt cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ giúp “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine tiến tới gần điểm kết thúc hơn, theo hãng thông tấn TASS.

Ông Peskov nói rằng theo những gì Điện Kremlin nắm được, lý do cho quyết định của Nhà Trắng tạm ngưng chuyển giao vũ khí cho Ukraine là “do các nhà kho trống rỗng, thiếu hụt vũ khí trong kho”.

“Dù trong bất kỳ trường hợp nào, càng có ít vũ khí được chuyển cho Ukraine thì cái kết của chiến dịch quân sự đặc biệt [tại Ukraine] càng gần” - ông Peskov nói tiếp.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ukraine-chon-huong-di-nao-khi-my-tam-dung-gui-vu-khi-post858512.html