Ukraine đối mặt với nhiều thách thức để gia nhập EU

Vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo đã thông qua quyết định của Hội đồng châu Âu về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập EU đối với Ukraine và Moldova. Tuy nhiên, Ukraine đang đối mặt với một số thách thức đặc biệt để gia nhập khối 27 thành viên.

CHIẾN THẮNG CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG CHO UKRAINE

Việc EU thông qua quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập đối với Ukraine đã mang lại một chiến thắng chính trị quan trọng cho nước này trong bối cảnh Ukraine lo ngại rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ cản trở việc bắt đầu các cuộc đàm phán. Việc bật đèn xanh bất ngờ cho các cuộc đàm phán đã diễn ra khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban đồng ý rời khỏi phòng họp, trong khi các nhà lãnh đạo khác tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi thỏa thuận là một chiến thắng cho Ukraine và toàn bộ Liên minh châu Âu dù quá trình từ khi bắt đầu đàm phán đến khi Ukraine trở thành thành viên EU có thể mất tới nhiều năm.

THÁCH THỨC KHI GIA NHẬP EU

Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU một tháng sau khi xung đột với Nga nổ ra và giành được tư cách ứng cử viên chỉ 3 tháng sau đó, một tốc độ nhanh nhất trong lịch sử EU. Tuy nhiên, việc liệu Ukraine có đủ sức vượt qua con đường cam go để gia nhập EU hay không lại là vấn đề khác.

Ukraine có dân số 44 triệu người và lớn hơn bất kỳ thành viên EU nào về mặt địa lý. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua. Điều đó có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức trở thành nước nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của mình.

Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine hiện là thành viên, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối.

Nghiên cứu của EU cho biết, tổng cộng, trong ngân sách 7 năm của EU, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro. Điều này có nghĩa là nhiều quốc gia hiện đang nhận nguồn vốn ròng của EU sẽ trở thành nước đóng góp ròng và những nước đóng góp ròng hiện tại sẽ phải đóng góp nhiều hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của EU.

Ukraine là cường quốc nông nghiệp. Với tư cách là thành viên EU, nước này sẽ trở thành một phần của thị trường chung EU, không có thuế quan hay hạn ngạch, nơi hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới. Điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo sức ép lớn lên chính phủ các nước.

Việc trở thành thành viên của EU cũng mở cửa toàn bộ thị trường lao động EU cho hàng triệu nhân công Ukraine.

Ngoài ra, EU cho biết các cuộc đàm phán không thể chính thức bắt đầu cho đến khi Ukraine giải quyết được nhiều vấn đề như tham nhũng, tăng cường trấn áp nạn buôn lậu bất hợp pháp quy mô lớn, cải cách việc thực thi pháp luật. Rõ ràng Ukraine vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Q.T

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ukraine-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-de-gia-nhap-eu-203037.htm