Ukraine mở chiến trường làm 'phòng thí nghiệm sống' cho vũ khí mới của phương Tây

Ukraine đã ra mắt chương trình 'Thử nghiệm tại Ukraine', cho phép các công ty quốc phòng nước ngoài gửi nguyên mẫu vũ khí đến chiến trường, để thử nghiệm thực tế trong cuộc xung đột với Nga.

Chương trình do tổ chức đổi mới quốc phòng Brave1 điều hành, được giới thiệu ngày 17/7, như một sáng kiến nhằm tạo điều kiện cho việc đánh giá thực tế hiệu quả của các loại vũ khí tiên tiến trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, điều mà không một phòng thí nghiệm nào có thể mô phỏng được.

Ukraine muốn có UAV, phương tiện mặt đất, tên lửa và các nguyên mẫu mới khác để chống lại Nga. (Nguồn: Getty Images)

Ukraine muốn có UAV, phương tiện mặt đất, tên lửa và các nguyên mẫu mới khác để chống lại Nga. (Nguồn: Getty Images)

Theo Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, đây là cơ hội độc nhất để các công ty quốc phòng thu thập dữ liệu thực tế, giúp hoàn thiện và tối ưu hóa sản phẩm của họ.

Theo Brave1, các loại vũ khí được ưu tiên trong chương trình bao gồm máy bay không người lái (UAV), xe robot mặt đất, tên lửa và vũ khí laser. Các nhà sản xuất sẽ chịu trách nhiệm cung cấp hướng dẫn sử dụng, có thể thực hiện trực tuyến, cho phía Ukraine, sau đó quân đội nước này sẽ trực tiếp triển khai các nguyên mẫu trong các chiến dịch thực địa. Brave1 khẳng định: "Bạn bàn giao sản phẩm cho chúng tôi, phần còn lại để Ukraine lo".

Kiev cũng kỳ vọng chương trình này sẽ mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa các nhà sản xuất quốc tế và ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Những vũ khí chứng minh được tính hiệu quả trên chiến trường có thể được sản xuất ngay tại Ukraine, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đồng thời củng cố năng lực quốc phòng nội địa.

Trên thực tế, Ukraine từ lâu đã trở thành nơi thử nghiệm không chính thức cho nhiều loại vũ khí do NATO sản xuất. Từ xe bọc thép, đạn chống tăng, đến tên lửa tầm xa, tất cả đều đã được kiểm chứng hiệu quả trong môi trường tác chiến thực tế tại Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự lo ngại rằng nhiều công ty quốc phòng đang phát triển vũ khí dựa trên bài học từ chiến trường, nhưng lại không đưa chúng vào thử nghiệm thực tế, khiến sản phẩm nhanh chóng lạc hậu.

Ông Luke Pollard, Bộ trưởng phụ trách lực lượng vũ trang Vương quốc Anh, từng tuyên bố thẳng thắn: "Nếu bạn là nhà sản xuất UAV mà không có sản phẩm nào ở tiền tuyến Ukraine, tốt nhất là nên từ bỏ cuộc chơi". Đồng quan điểm, giám đốc điều hành quốc phòng người Anh, Justin Hedges, cũng cảnh báo rằng bất kỳ hệ thống vũ khí nào không được kiểm nghiệm hàng ngày trên chiến trường Ukraine đều có nguy cơ trở nên lỗi thời trong thời gian ngắn.

Thực tế, cuộc chiến UAV đã thay đổi chóng mặt trong ba năm qua. Những chiếc UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) từng gây tiếng vang với khả năng tấn công chính xác và chi phí rẻ, nay đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi các biện pháp tác chiến điện tử.

Điều này buộc các bên phải tìm đến các giải pháp khác như UAV điều khiển bằng cáp, vốn miễn nhiễm với gây nhiễu, hoặc sử dụng các biện pháp phòng thủ "công nghệ thấp" như súng săn và lưới đánh cá để đối phó UAV.

Tháng 6, Ukraine đã ra mắt một loại đạn súng trường đặc biệt, có khả năng bắn mảnh ở tầm xa, nhằm chống lại các UAV FPV bay đến với tốc độ cao. Phía Nga cũng không đứng yên, khi đã từ lâu tự chế ra các loại đạn tương tự để trang bị cho binh lính của mình.

Trong bối cảnh chiến tranh tiêu hao ngày càng khốc liệt, Ukraine đang tăng tốc tái thiết ngành công nghiệp quốc phòng, vừa để đáp ứng nhu cầu chiến sự trong nước, vừa hướng đến mục tiêu trở thành đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng vũ khí toàn cầu.

Brave1 hiện chưa đưa ra bình luận chính thức trước các yêu cầu liên hệ ngoài giờ hành chính. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga cũng từ chưa phản hồi về chương trình này.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ukraine-mo-chien-truong-lam-phong-thi-nghiem-song-cho-vu-khi-moi-cua-phuong-tay-169250718145955421.htm