Ukraine thực hiện bước đi bất ngờ, kỳ vọng tạo 'cú hích' trên chiến trường
Ukraine mở chương trình cho phép thử nghiệm vũ khí của đồng minh, kỳ vọng tạo đột phá công nghệ và tăng tốc tái vũ trang với EU.
Tổ chức về công nghệ quốc phòng Brave1 của Ukraine đã công bố chương trình "Thử nghiệm tại Ukraine" cho phép các nguyên mẫu vũ khí từ các quốc gia đồng minh được thử nghiệm trực tiếp trên chiến trường, kèm theo báo cáo chi tiết nhằm cải tiến sản phẩm.
Theo chương trình được công bố hôm thứ Năm, các công ty quốc phòng nước ngoài hiện có thể thử nghiệm những loại vũ khí mới nhất của họ tại Ukraine.
Brave1, được chính phủ Ukraine hỗ trợ, cho biết sáng kiến này sẽ cho phép các chính phủ đồng minh bàn giao nguyên mẫu máy bay không người lái, đạn lảng vảng, thiết bị tác chiến điện tử, tàu không người lái và các sản phẩm tích hợp trí tuệ nhân tạo để thử nghiệm thực tế trên chiến trường.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng sẽ được kết nối với một nhà sản xuất Ukraine đang phát triển công nghệ tương tự nhằm "đồng sản xuất và đẩy nhanh triển khai".
"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các công ty từ các quốc gia đối tác phát triển, thử nghiệm và hoàn thiện các công nghệ thực sự hiệu quả trên chiến trường", ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi Số của Ukraine, nhấn mạnh trong thông cáo báo chí.
"Đây là cơ hội để có được trải nghiệm mà không một phòng thí nghiệm nào có thể mô phỏng được".
Ukraine tham gia nỗ lực tái vũ trang của EU
Thông báo của Brave1 được đưa ra sau một loạt sáng kiến nhằm đưa các start-up công nghệ quốc phòng Ukraine tham gia sâu hơn vào kế hoạch tái vũ trang của Liên minh châu Âu (EU).
Tuần trước, Brave1 công bố quan hệ đối tác BraveTechEU, theo đó sẽ có khoản tài trợ lên đến 100 triệu euro chia cho Brave1, Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) và Chương trình Đổi mới Quốc phòng của EU (EUDIS) để phát triển công nghệ mới thông qua các cuộc thi hackathon quốc phòng, kết nối nhà đầu tư và nghiên cứu.
EU cũng đã kích hoạt công cụ cho vay SAFE trị giá 150 tỷ euro, cho phép các quốc gia vay vốn để thực hiện các dự án quốc phòng chung, với điều kiện ít nhất 65% linh kiện vũ khí phải được sản xuất tại EU hoặc Ukraine. Đồng thời, EU đã thành lập Lực lượng Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng EU-Ukraine để tích hợp Ukraine vào "hệ sinh thái công nghệ quốc phòng".
Ngoài ra, Ukraine đã ký thỏa thuận trị giá 67 triệu euro với Đan Mạch để các công ty quốc phòng nước này sản xuất thiết kế của họ ngay tại Đan Mạch - đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này.
Các tập đoàn quốc phòng lớn của châu Âu như SAAB (Thụy Điển), Kongsberg (Na Uy), KNDS (Pháp-Đức), Rheinmetall (Đức) cùng Raytheon (Mỹ) được cho là đang mở rộng hiện diện tại Ukraine, theo thông cáo báo chí tháng 6 của Bộ Quốc phòng Ukraine.
Tuy vậy, các chuyên gia trước đó nói với Euronews Next rằng Ukraine cần được đưa vào "kế hoạch chung" với EU, vì họ có khả năng cung cấp phản hồi và đánh giá đối với những loại vũ khí truyền thống vốn chiếm tỷ trọng lớn trong chiến lược mua sắm của khối này.
Lê Anh (Theo Euronews, Kyivindependent)