Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

Từ khoảng 10 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển chăn nuôi.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng, ở phường Lương Sơn (TP. Thái Nguyên), phát triển mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng, ở phường Lương Sơn (TP. Thái Nguyên), phát triển mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Từ việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đã giúp ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo đó, chăn nuôi trang trại tăng dần cả về số lượng và quy mô, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ bằng việc áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến, đồng bộ.

Minh chứng rõ nét nhất là nhóm vật nuôi có giá trị kinh tế tăng cao. Hiện nay, tỷ lệ đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 60%; đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng đạt 70%. Với đàn gia cầm, tỷ lệ các giống gà lông mầu thả vườn, gà bản địa có chất lượng, thế mạnh ngày càng tăng, hiện đạt 80%.

Thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh theo hướng công nghiệp hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 1.015 trang trại chăn nuôi quy mô tập trung, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Hầu hết các trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường....

Đơn cử như trang trại sản xuất giống gia cầm (gà, vịt) của ông Phạm Văn Trường, ở xóm Tiến Bộ, xã Dương Thành (Phú Bình). Ngoài việc phủ sóng wifi cho hơn 5.000m2 khu vực sản xuất giống gia cầm của gia đình, ông còn xây dựng đồng bộ, khép kín hệ thống chuồng trại và trang bị đầy đủ quạt thông gió, hút mùi, đèn chiếu sáng… Ông Trường cũng đã cài đặt, kết nối để vận hành toàn bộ hệ thống chuồng trại thông qua điện thoại thông minh. Nhờ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất (tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện) và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, trang trại của ông Trường xuất bán khoảng 100 nghìn con gà, vịt giống, thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Cũng từ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đến nay, toàn tỉnh đã có 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hệ thống kinh doanh sản phẩm chăn nuôi cũng được quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 9 cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ (TP. Thái Nguyên: 5 cơ sở; Phú Bình: 2 cơ sở; TP. Phổ Yên: 1 cơ sở; Đại Từ: 1 cơ sở).

Ngoài ra, việc phát triển hình thức sản xuất liên kết “chuỗi” từ sản xuất - chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cũng được thực hiện. Thái Nguyên đang có 60 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ tổ chức sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh có 13 công ty chăn nuôi liên doanh, gia công với 416 trang trại chăn nuôi. Đồng thời, Thái Nguyên đã thúc đẩy hình thành các khu chăn nuôi tập trung, như: chăn nuôi gà thả vườn tại Phú Bình, Định Hóa; chăn nuôi lợn tại TP. Phổ Yên, Phú Bình; chăn nuôi bò tại Định Hóa, TP. Phổ Yên, Phú Bình…

Thời gian tới, tỉnh khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản xuất vắc-xin, xử lý môi trường chăn nuôi. Cùng với đó là áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng nông sản (trong đó có chăn nuôi) phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202310/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-chan-nuoi-5690197/