Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Ngày 4/12, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản phẩm hàng hóa và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp là bước phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.
Tại hội thảo, 17 tham luận, báo cáo đã đánh giá sơ bộ về hiện trạng và nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ cao trong nông nghiệp; trình diễn, giới thiệu một số công nghệ cao đã được ứng dụng thành công trong, ngoài nước như: Ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp...

Hội thảo tạo tiền đề quan trọng, mở ra các cơ hội kết nối, hợp tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh, thành nói chung, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Về phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam và đề xuất giải pháp triển khai ứng dụng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay cả nước có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ thành lập là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên.
Theo Quyết định 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các đối tượng: Rau, hoa, cà phê, chè, thanh long, bò sữa, bò thịt, gia cầm, tôm. Còn tại Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh có thẩm quyền công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2017 đã có 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện Đề án 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tỉnh đang xây dựng 2 khu nông nghiệp và 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 62 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 2.726 ha, ước năm 2020 cung cấp ra thị trường trên 31 ngàn tấn sản phẩm, tổng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 336 tỷ đồng, chiếm 5,7% giá trị sản phẩm ngành trồng trọt. Các công nghệ đáp ứng chủ yếu như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, công nghệ Aquaponic, công nghệ theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và các doanh nghiệp đã có các tham luận và giải pháp về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp như: Nghiên cứu sử dụng ánh sáng chuyên dụng trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, chính xác 4.0: tương lai và cơ hội phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững; các giải pháp hệ sinh thái nông nghiệp thông minh bền vững; giải pháp truy xuất nguồn gốc Blockchain theo chuỗi giá trị nông sản…
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta không còn phù hợp vì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khó kiểm soát và xử lý dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường... Do đó, cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng, chuyển từ hệ thống nuôi thủy sản mở sang nuôi thủy sản kín với chi phí thấp.
Còn Thạc sĩ Đặng Hoàng Anh Tuấn, Viện Ứng dụng công nghệ đưa ra giải pháp trong bảo quản nông sản bằng kho lạnh kết hợp điện trường. Giải pháp này sẽ làm giảm quá trình mất nước của nông sản bằng cách tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa phân tử nước với các thành phần khác trong cấu trúc của nông sản.

Hiệu ứng điện trường các lỗ khí trên bề mặt rau quả được đóng lại, do đó sự bay hơi nước từ nông sản được hạn chế, giúp rau, quả, thịt, cá duy trì được độ tươi.../.

Hoàng Nhị/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-nong-nghiep/179826.html