Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản

Không cần có mặt trực tiếp tại ao nuôi người nuôi thủy sản vẫn nắm rõ các thông số về chất lượng môi trường nước trong ao nuôi như nhiệt độ, độ PH, oxy hòa tan…để kịp thời điều chỉnh phù hợp đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Đây là kết quả bước đầu của mô hình ứng dụng công nghệ trong kiểm soát môi trường nuôi thâm canh thủy sản được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai trong thời gian qua.

Hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước giúp người nuôi thủy sản biết được các thông số môi trường nước ao nuôi 24/24h, dù không trực tiếp có mặt tại ao nuôi

Hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước giúp người nuôi thủy sản biết được các thông số môi trường nước ao nuôi 24/24h, dù không trực tiếp có mặt tại ao nuôi

Vĩnh Phúc là địa phương có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản, với nhiều hệ thống sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Phan…cùng với đó là hàng trăm ao, hồ, đầm lớn nhỏ, với tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt trung bình gần 7.000 ha mỗi năm.

Mặc dù tiềm năng lớn, tuy nhiên nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, diện tích nuôi theo hướng công nghiệp, thâm canh còn ít, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động nuôi thủy sản còn hạn chế, năng suất nuôi trung bình thấp, chỉ đạt trên 3 tấn/ha.

Để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, từng bước thay đổi phương thức nuôi truyền thống của các hộ dân, mới đây Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát chất lượng môi trường nước nuôi thủy sản.

Các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến, quan trắc môi trường ao nuôi; hệ thống điều khiển các thiết bị ao nuôi từ xa được kết nối với máy tính, điện thoại thông minh thông qua phần mềm chuyên dụng.

Hệ thống được vận hành tự động, giám sát thường xuyên, liên tục các chỉ số chất lượng nước trong môi trường ao nuôi, người nuôi dễ dàng quản lý các thông số từ trên thiết bị di động, nhờ đó kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả nuôi trồng.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ cho 6 hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh lắp đặt, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sử dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước. Qua đánh gia sơ bộ, các hộ tham gia mô hình đều cho rằng ứng dụng mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích hơn so với phương pháp truyền thống.

Anh Vũ Hiền Lương, xã Văn Quán (Lập Thạch) một trong các hộ tham gia mô hình chia sẻ: Trước đây, việc kiểm soát chất lượng môi trường nước trong nuôi thủy sản hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi, tuy nhiên hiệu quả không cao.

Sau khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước và hướng dẫn quy trình vận hành, sử dụng hệ thống, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, dù không trực tiếp đến ao nuôi chúng tôi vẫn có thể biết được biến động các chỉ số, từ đó điều chỉnh phù hợp để không anh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá.

Đây là ứng dụng rất tiện lợi, vận hành, lắp đặt đơn giản nhưng mang lại nhiều hiệu quả to lớn. Thời gian tới, rất mong các cơ quan chức năng nghiên cứu nhân rộng mô hình, để người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận với công nghệ, ứng dụng hiện đại áp dụng vào quá trình nuôi, qua đó tăng năng suất và hiệu quả nuôi.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh là bước tiến mới trong lộ trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần hơn với người nuôi thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Việc áp dụng công nghệ số để thay đổi phương thức nuôi truyền thống được xem là xu hướng phát triển tất yếu, không chỉ giúp người nuôi hạn chế rủi ro, quản lý tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí và tìm kiếm đầu ra ổn định để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp nói chung.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để triển khai nhân rộng ra các vùng nuôi thủy sản khác trên địa bàn tỉnh, đưa sản xuất thủy sản phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82458/ung-dung-cong-nghe-trong-nuoi-trong-thuy-san.html