Ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống

Trong cuộc sống hiện đại, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ (KH-CN) vào mọi lĩnh vực đời sống là hết sức cần thiết. Những năm gần đây, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tích cực tham gia nghiên cứu KH-CN, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của địa phương.

Your browser does not support the audio element.

Sản phẩm máy bừa điều khiển từ xa của anh Quách Tự Lộc, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) được ứng dụng trong lao động, sản xuất, khắc phục được nhiều hạn chế của máy bừa thông thường.

Sản phẩm máy bừa điều khiển từ xa của anh Quách Tự Lộc, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) được ứng dụng trong lao động, sản xuất, khắc phục được nhiều hạn chế của máy bừa thông thường.

Đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: "Trong những năm qua, đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã tham gia nghiên cứu, sáng tạo KH-CN. Trong đó có nhiều giải pháp, sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, kinh tế, giáo dục…, đem lại hiệu quả cao. Nhiều sản phẩm mang dáng dấp của Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng sự phát triển KT-XH địa phương”.

Nổi bật là một số giải pháp KH-CN trong những lĩnh vực đã được ứng dụng trong đời sống hiệu quả: Lĩnh vực y học có giải pháp "Điều trị vi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh" của bác sỹ Trương Như Hiển, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa tỉnh; lĩnh vực công nghệ sinh học có giải pháp "Bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây dược liệu bản địa chữa bệnh xương khớp của dân tộc Mường, Dao trên núi đá vôi" của tác giả Đặng Thị Phương Hảo (Công ty CP Biopharm Hòa Bình); trong công nghiệp là giải pháp "Cải tiến hệ thống cung cấp dung dịch đánh bóng cho máy gia công thấu kính" của tác giả Nguyễn Phi Long (Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam), "Hệ thống siêu âm làm sạch tự động" của tác giả Phạm Thanh Dương (Công ty TNHH Sankoh Việt Nam); lĩnh vực nông nghiệp có các giải pháp: "Cải tiến bể bioga 2 tầng theo hình khối trụ đứng" của tác giả Bùi Văn Quê - xã Nhân Nghĩa, "Chế tạo máy bừa điều khiển từ xa" của tác giả Quách Tự Lộc - xã Mỹ Thành (Lạc Sơn)… Ngoài ra, các giải pháp trong lĩnh vực môi trường, y - dược, ứng phó với biến đổi khí hậu… cũng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.

Nổi vật trong lĩnh vực nông nghiệp, "Chế tạo máy bừa điều khiển từ xa" là một trong những giải pháp được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đánh giá cao về tính ứng dụng trong đời sống. Sinh năm 1986, tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm (Phú Thọ), anh Quách Tự Lộc đã có thành quả đáng tự hào khi tự nghiên cứu, chế tạo máy bừa điều khiển từ xa. Sau khi sử dụng được một thời gian, anh Lộc nhận thấy máy bừa tuy thuận lợi nhưng cũng có khá nhiều bất tiện như: Tiếng máy ồn, di chuyển tốc độ khá nhanh, máy nặng, nếu phải đi theo điều khiển trong thời gian dài sẽ rất mệt, đau nhức cơ… Thực tế này khiến anh trăn trở, lo lắng, suy nghĩ nhiều ngày. Từ đó nung nấu ý tưởng chế tạo máy bừa điều khiển từ xa, khắc phục được nhiều hạn chế đang gặp phải. Anh Lộc chia sẻ: "Từ khi còn là ý tưởng, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất phức tạp. Thế nhưng khi làm thực tế, gỡ rối từng giai đoạn, đi đúng hướng công việc trở nên dễ dàng hơn. Sau 1 năm tự mày mò, nghiên cứu, chế tạo, vừa làm vừa thử nghiệm, khắc phục các lỗi, tôi đã hoàn thành sản phẩm và được áp dụng ngay trong quá trình lao động, sản xuất của mình”. Máy bừa nhận tín hiệu điều khiển xa hay gần phụ thuộc vào bộ điều khiển. Với bộ điều khiển đang dùng giá 200.000 đồng, anh Lộc có thể đứng cách xa 100 m để điều khiển, không cần trực tiếp cầm máy mà chiếc máy bừa vẫn có thể hoạt động như bình thường.

Bên cạnh đó, tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2021 cũng có nhiều đề tài, ý tưởng được đánh giá có ứng dụng cao trong đời sống. Điển hình như ý tưởng "Thiết bị kiểm soát học sinh, trẻ em trên xe đưa đón" của nhóm tác giả Nguyễn Đức Anh, "Thiết bị trợ lý nhà bếp" của nhóm tác giả Phạm Đình Tuấn Phong (trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ)… Các ý tưởng, sản phẩm đều thể hiện tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Các đề tài đều gần gũi với đời sống hàng ngày, nếu được đưa vào thực tiễn có thể đem lại những kết quả khả quan. Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng nhằm khơi dậy lòng đam mê, sự cố gắng của học sinh trong việc nghiên cứu, sáng tạo ra các giải pháp, sản phẩm, mô hình; tạo nền tảng cho học sinh theo đuổi đam mê, sáng tạo, nghiên cứu KH-CN; vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn; nhân rộng những mô hình, giải pháp khoa học, công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu thiết thực trong học tập, đời sống…

Là nhân tố quan trọng góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp, văn minh, hiện đại hơn, đến nay, việc ứng dụng KH-CN vào đời sống đang phát triển ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, phần lớn phát huy hiệu quả dưới nhiều hình thức.

Linh Nhật

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/157729/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-tr111ng-doi-song.htm