Ứng phó bão số 3: Thanh Hóa sẵn sàng mọi tình huống, chưa ghi nhận thiệt hại
Tính đến sáng 22.7, tỉnh Thanh Hóa chưa ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Với tinh thần chủ động, khẩn trương, các địa phương, đơn vị đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hoàn tất phương án ứng phó theo phương châm '4 tại chỗ', đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh Thanh Hóa, để ứng phó với bão số 3, ngay từ sớm, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ứng phó theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn để nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác chuẩn bị, chỉ đạo kịp thời phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa được đưa lên bờ, neo đậu an toàn để chủ động ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn người và phương tiện. Ảnh: Nguyễn linh
Tính đến 5 giờ sáng ngày 22.7, chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 3. Đa số các địa phương không xảy ra ngập úng diện rộng, chỉ ghi nhận tình trạng ngập cục bộ tại xã Tống Sơn (vùng Hà Tân, Hà Tiến cũ), xã Nga An và một số tuyến đường của phường Hạc Thành.
Các đơn vị thủy lợi đã chủ động triển khai tiêu úng, đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Về phương án sơ tán dân, toàn tỉnh xác định có 40.830 hộ/169.352 khẩu thuộc khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ phải sơ tán.
Trong đó có 10.561 hộ/46.194 khẩu sinh sống trong phạm vi cách bờ biển 200m; 14.288 hộ/58.868 khẩu ở phạm vi 200-500m; và 15.981 hộ/64.290 khẩu ở ngoài 500m.
Các địa phương đã hoàn tất phương án sơ tán tại chỗ và sơ tán tập trung, sẵn sàng triển khai ngay khi có tình huống xấu xảy ra.
Đặc biệt, đối với khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đến 0h ngày 22.7, các địa phương đã chủ động sơ tán 98 hộ/449 nhân khẩu đến nơi an toàn, trong đó có các xã như: Điền Lư, Nam Xuân, Tam Chung, Bá Thước, Kim Tân, Mường Lý, Sơn Thủy và Yên Nhân.
Trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 5h ngày 22.7, toàn tỉnh có 6.550/6.555 phương tiện với 20.522/20.580 lao động đã vào neo đậu an toàn.
Chỉ còn 5 phương tiện/58 lao động đang hoạt động ngoài khơi, nhưng đều đã nắm bắt đầy đủ thông tin về bão, giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng và có phương án tránh trú an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức kiểm đếm và kêu gọi toàn bộ phương tiện, chòi canh ngao, lồng bè vào bờ; hiện không còn người lưu trú ngoài biển.
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 05 ngày 20.7.2025 của Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh, lệnh cấm biển đã được áp dụng từ 8 giờ sáng ngày 21.7 cho đến khi bão không còn ảnh hưởng đến địa bàn.
Các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng ven biển được yêu cầu di dời hoặc neo buộc đảm bảo, tuyệt đối không để người ở lại trông coi.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của toàn hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng, đến nay, công tác phòng, chống bão số 3 của tỉnh Thanh Hóa được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả.
Các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và sơ tán dân cư vẫn đang được duy trì ở mức sẵn sàng cao nhất, ứng phó kịp thời với mọi diễn biến phức tạp của thời tiết.