Ứng phó linh hoạt, kịp thời trong phòng, chống thiên tai
Chiều 24-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia (BCĐ) lần thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước trên 553 tỷ đồng. Với Đồng Nai, trong 7 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 5 đợt thiên tai do mưa lớn kèm dông lốc, sét, ngập lụt, sạt lở làm 1 người chết, 71 căn nhà bị tốc mái, 50 hécta cây trồng bị gãy đổ, hư hại. Ước tổng thiệt hại khoảng 7,2 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong hoạt động phòng thủ dân sự cần tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: Phải phòng thủ từ sớm, từ xa khi chưa xảy ra sự cố; phải ứng phó hết sức bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, an toàn, hiệu quả; phải chung tay, toàn dân, toàn diện và toàn phần. Đặc biệt, các lực lượng tuyến đầu là quân đội và công an phải luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân.
Người dân phải là chủ thể tham gia thì mới đảm bảo được tính mạng, tài sản nhân dân. Nguồn lực huy động từ trung ương hỗ trợ cho các địa phương những năm qua đã đáp ứng được nhu cầu; các địa phương cũng đã tự cân đối, nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai. Việc phòng thủ dân sự của chính quyền địa phương 2 cấp cơ bản suôn sẻ.
Chỉ ra những tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo, diễn biến thiên tai năm 2025 còn hết sức phức tạp, không theo quy luật, nên cần phải cố gắng phân tích, nắm tình hình để rút ra các quy luật và có kế hoạch ứng phó hiệu quả hơn.
Yêu cầu từ trung ương đến địa phương phải chuyển đổi tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Ứng phó phải linh hoạt, kịp thời; khắc phục phải cụ thể, hiệu quả; lấy con người là trung tâm chủ thể; quản lý rủi ro thiên tai là trọng tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.