Ứng xử đúng mực để công tác từ thiện, cứu trợ đạt hiệu quả thiết thực, nhân văn

Những ngày này, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đang tích cực, khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Trung vừa chịu thiệt hại rất nặng nề bởi những trận bão lũ lịch sử.

Đó là tình thân ái, nghĩa đồng bào cao cả. Nhưng làm thế nào để hoạt động từ thiện, cứu trợ thực sự hiệu quả, đậm chất nhân văn, giúp những người được nhận có thêm động lực, vững tin vượt lên hoàn cảnh? Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

 PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu.

PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu.

Phóng viên (PV):Được biết, bà vừa tham gia đoàn cứu trợ các tỉnh miền Trung trở về. Bà có thể chia sẻ về chuyến đi?

PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Chúng tôi vừa có chuyến đi thực tế ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, trực tiếp khảo sát tình hình cứu trợ ở các địa phương; thăm hỏi, động viên những gia đình có nạn nhân thiệt mạng, mất tích, hỗ trợ các gia đình nghèo bị thiệt hại nặng nề do thiên tai; gặp gỡ, động viên cán bộ, hội viên, tình nguyện viên cơ sở-những người vừa qua đã lăn xả trong bão lũ để cứu người và giúp dân.

Ngày đầu tiên, chúng tôi đến thăm những người dân bị sạt lở đất ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đang được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Nạn nhân đầu tiên chúng tôi gặp là một em bé khoảng 15 tuổi, bị chấn thương cột sống, hai chân không cử động được, thương tích quanh người. Em mất cả cha lẫn mẹ, không có người nhà, chỉ có người anh hàng xóm đưa đến bệnh viện. Em không nói gì. Khi các đoàn từ thiện cho tiền, em cầm thẫn thờ, không cảm xúc... Ở Quảng Bình, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Đức-bố của hai cháu Hoàng Anh Quân và Hoàng Mạnh Quý. Hai cháu nhỏ mất do lật xuồng khi đang được đưa đến nơi tránh trú. Mẹ các cháu ngồi thất thần, khuôn mặt vô hồn. Người bố đau khổ lấy cho chúng tôi xem hai quyển vở của cháu Hoàng Anh Quân học lớp 5. Trong vở có bài văn tả về ngôi nhà của mình với nét chữ rất đẹp. Câu kết Quân ghi: “Em muốn mãi mãi được sống trong mái nhà của mình, nơi có ba mẹ và những người thân yêu”...

Còn rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương khác. Họ chẳng còn tài sản gì và mất cả người thân. Trước nỗi đau quá lớn của họ, có lúc chúng tôi cảm thấy không biết nên an ủi họ như thế nào. Bản thân họ lúc đó không cần tiền, không cần đồ dùng mà chỉ cần người thân. Mong ước của họ chỉ là được trở về làng xóm để gặp người thân, để nhìn lại ngôi nhà của mình, để được đón con về.

 Đoàn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm người dân tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đoàn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm người dân tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

PV: Ngoài những chia sẻ về tinh thần, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có những hoạt động quyên góp, cứu trợ thực tế gì đối với bà con miền Trung, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Việc đến thăm hỏi, động viên các gia đình mất mát sau thiên tai, thảm họa là một trong các hoạt động của hội chữ thập đỏ. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ tâm lý, chúng tôi triển khai các hoạt động hỗ trợ vật chất để giúp người dân sớm khắc phục hậu quả, dần ổn định cuộc sống.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên ủng hộ người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Đến nay, các cấp hội chữ thập đỏ đã vận động quyên góp, ủng hộ tiền và hàng trị giá gần 94 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đối tác quốc tế, như: Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, Hội Chữ thập đỏ Singapore, Hội Chữ thập đỏ Anh, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Tổ chức USAID... Ngoài ra, hàng trăm đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm đã gửi những món quà vật chất và tinh thần thông qua hội chữ thập đỏ giúp đỡ đồng bào miền Trung.

Để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của nhân dân, ngay sau khi thiên tai xảy ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chủ động cứu trợ nhanh chóng, kịp thời đến các địa phương bị thiệt hại tại 9 tỉnh miền Trung. Hàng hóa cứu trợ bao gồm: Lương thực, đồ dùng gia đình, nước sạch, bộ dụng cụ sửa nhà và cấp phát tiền mặt đa mục đích...

PV: Người Việt có câu “Của cho không bằng cách cho”. Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội đề cập đến “văn hóa từ thiện”. Quan điểm của bà về những vấn đề này như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Đúng là chúng ta cần có văn hóa từ thiện. Không phải có tiền đi cho mà trở thành người được mang ơn. Không phải người nhận nói lời cảm ơn mà thứ họ nhận đã thiết thực. Người được cho, dù là đồ cũ, đồ bỏ đi không ăn được, họ cũng lịch sự cảm ơn. Đó là văn hóa của người Việt, họ không nỡ từ chối dù được cho những thứ họ không cần.

Thời gian qua, hoạt động từ thiện tự phát rất nhiều. Tất nhiên, với truyền thống tương thân, tương ái, sự chia sẻ, giúp nhau khi khó khăn hoạn nạn của người dân là rất đáng quý, cần khuyến khích để xây dựng xã hội nhân văn, người giúp người. Tuy nhiên, trong thiên tai thảm họa, công tác cứu hộ, cứu nạn có những quy định, nguyên tắc mà tất cả mọi người đều phải tuân thủ. Nó đòi hỏi tính chuyên nghiệp, không phải ai cũng có thể vào vùng thiên tai, thảm họa, những nơi nguy hiểm để giúp người dân nếu không có nhiệm vụ, không có kỹ năng để tránh rủi ro, trước tiên cho chính những người đi cứu hộ vì họ đến để giúp người khác chứ không phải để bị nạn rồi người khác phải giúp mình.

Một nguyên tắc nữa khi làm từ thiện là không có quyền tạo thêm áp lực cho người dân hay chính quyền nơi xảy ra thiên tai, không được phân biệt đối xử. Vừa qua chúng ta thấy có hiện tượng hàng cứu trợ quá nhiều, phân phát không hết và nhiều loại không cần thiết như quần áo, chăn màn cũ,... không có người nhận, không có chỗ để, vứt ngoài đường, trông rất phản cảm. Trong khi việc quyên góp, vận chuyển, khuân vác, phân loại sắp xếp... tốn rất nhiều công sức.

Trong điều kiện nước lũ, đi lại khó khăn, không thể cấp phát ngay được nên nhiều bánh chưng, đồ ăn nhanh bị hư hỏng mà người cần thì không được nhận cũng làm nhiều người tiếc công, tiếc của.

Có đoàn từ thiện sốt ruột tự tìm phương tiện, tự mang hàng vào phát nhưng hình thức làm như vậy có rất nhiều rủi ro. Có những đoàn đi bị lật thuyền, có đoàn phải bỏ rất nhiều tiền để thuê người địa phương. Không phải người địa phương muốn lợi dụng việc đó để kiếm tiền nhưng có người vì quá mệt nên tạo áp lực lại là đòi tiền cao. Và như vậy, câu chuyện lại trở nên không nhân văn khi “sao tôi đến cứu anh mà anh lại kiếm tiền từ tôi?".

Những cách thức làm từ thiện như vậy thực sự làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và mong muốn được thông qua cơ quan truyền thông để truyền đạt kinh nghiệm, để việc từ thiện đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người chứ không đem phiền muộn và tổn thương.

PV: Rõ ràng có sự vênh nhau giữa thực tế và suy nghĩ của nhiều người làm từ thiện. Vậy chúng ta cần làm gì để hoạt động từ thiện trở nên thiết thực, ý nghĩa, nhân văn hơn, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Chúng tôi đang kêu gọi Hội Chữ thập đỏ các tỉnh hỗ trợ nhân lực để tổ chức các hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, chợ nhân đạo theo hình thức bán hàng 0 đồng tại một địa điểm, ai cần gì thì đến lấy và được chọn, thay vì cứ mang đến cho mà họ không cần, không dùng hết.

Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ tiền mặt theo quy trình chặt chẽ, đối tượng nào được cấp phát phải được chính quyền xác nhận, được cộng đồng kiểm soát và người cấp phát phải cam kết sử dụng khoản tiền đúng mục đích. Việc phân loại đối tượng được thực hiện theo tiêu chí, tránh cảm tính để không xảy ra sự so bì, không công bằng, dễ làm người dân nhìn nhau, tị nạnh, thậm chí cãi cọ, mâu thuẫn. Dù cho có 5 triệu, 10 triệu, 100 triệu đồng, cũng không đáng gì so với những giá trị văn hóa, giá trị tình người, quan hệ giữa người với người, sự quan tâm tới nhau của những người ở nơi đó bị mất đi.

Kết quả đánh giá cho thấy nhu cầu của người dân trong giai đoạn phục hồi sẽ là sửa nhà, xây mới nhà, cây, con giống, phân bón... để hồi phục sinh kế; về nước sạch và vệ sinh bằng các can thiệp tiền mặt. Đây là giai đoạn phục hồi và tái thiết, cần nguồn hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng. Riêng Hội Chữ thập đỏ sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế để xây nhà chống lũ, nhà tránh trú bão, hỗ trợ phương tiện, vật tư cho đội cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ sinh kế cho người dân phát triển sản xuất, đào tạo, giúp dân chuyển đổi nghề.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

TOÀN LINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ung-xu-dung-muc-de-cong-tac-tu-thien-cuu-tro-dat-hieu-qua-thiet-thuc-nhan-van-643180