Ứng xử trong gia đình thời hiện đại

Hội nhập toàn cầu, công nghệ số, kinh tế thị trường đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội cũng như gia đình Việt. Giữa cái mới và cái cũ đan xen, tích cực có mà tiêu cực cũng không ít, làm thế nào để hài hòa các mối quan hệ trong gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của mỗi thành viên. Qua đó loại bỏ dần quan niệm lạc hậu, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, tiếp thu những mặt tiến bộ, tinh hoa của nhân loại để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Hội thi Gia đình hạnh phúc thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên năm 2024.

Hội thi Gia đình hạnh phúc thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên năm 2024.

Quan niệm “bố mẹ nói con phải nghe” đã không còn hoàn toàn đúng

Vợ chồng chị Hoàng Thu Hiền (ở phường Hai bà Trưng, thành phố Phủ Lý) có hai con, một cháu đang học đại học, một cháu học THCS. Chia sẻ về cách ứng xử giữa bố mẹ và con cái trong gia đình, chị Hiền cho biết không hề dễ một chút nào. Nếu như các thế hệ trước đây đều cho rằng bố mẹ, người lớn nói trẻ con đều phải nghe, người lớn luôn luôn đúng, thì bây giờ không hẳn như thế. Ngày nay, các con được học hành kiến thức mọi mặt, trong đó có nhiều kiến thức mới, được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, đặc biệt là qua internet, lại được nhà trường giáo dục theo hướng phát huy sự chủ động, sáng tạo, nên có nhiều vấn đề các con biết mà bố mẹ chưa biết, và các con sẽ tranh luận nếu bố mẹ chưa đúng.

Vì thế, quan hệ, ứng xử giữa bố mẹ và con cái phải dựa trên sự bình đẳng, thấu hiểu, tôn trọng thì mới giáo dục được các con và không khí trong gia đình mới luôn vui vẻ. Cần phải để cho con nói lên ý kiến của mình, nếu con đúng bố mẹ cũng cần nhìn nhận lại mình, thậm chí phải xin lỗi con. Nếu suy nghĩ của con chưa chuẩn bố mẹ cần tìm nguyên nhân, có giải pháp mềm dẻo để giải quyết tận gốc vấn đề chứ không nên áp đặt con làm theo ý mình. Bố mẹ muốn nuôi dạy con tốt phải “học làm bố mẹ”, học để biết cách ứng xử với con trong mọi tình huống, bảo đảm sự thấu hiểu, bình đẳng, tôn trọng, có vậy mới giúp con trưởng thành đúng hướng.

Đồng quan điểm, nhưng Tiến sỹ Trương Mạnh Tiến (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cơ sở Hà Nam) cho rằng, cùng với việc tôn trọng sở thích cá nhân của con, khuyến khích con chủ động, tự tin nói lên chính kiến của mình, nhưng không thể buông lỏng hoàn toàn mà phải có một cái “khung” căn bản về ứng xử, hành động, có những quy định bắt buộc trong gia đình trên cơ sở kế thừa những nét đẹp của truyền thống gia đình Việt. Ví dụ đơn giản như đi hỏi về chào, ăn cơm phải mời, nhận quà, nhận sự giúp đỡ phải biết cảm ơn, làm việc nhà trong khả năng của mình, biết quan tâm cha mẹ, ông bà, trong các cuộc gặp mặt tập thể gia đình phải biết đặt cái chung lên trước,... Bố mẹ dạy con những điều này từ khi con còn nhỏ, giảng giải để con hiểu và tự nguyện thực hiện. Nếu con có lúc “lệch chuẩn”, bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, kiên trì uốn nắn, thậm chí cũng có lúc phải “quân phiệt” để con làm theo bởi đây đều là những giá trị cốt lõi truyền thống tốt đẹp. Qua đó để hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm cho các con, để trở thành những công dân tốt.

Yêu thương, tôn trọng, bình đẳng, buông bỏ, tha thứ

Trong ứng xử vợ chồng, xã hội hiện đại cũng ngày càng coi trọng yếu tố tôn trọng, bình đẳng. Trước đây, quan niệm vợ lo việc nhà, chăm dạy con cái, chồng là trụ cột kinh tế gia đình. Vợ ít có tiếng nói trong gia đình, chồng thường gia trưởng, áp đặt. Nhưng bây giờ vợ cũng tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình không kém gì chồng, nhiều người đạt được những thành tựu lớn, được xã hội công nhận. Tuy nhiên, áp lực công việc cũng hết sức lớn, nếu không biết chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con cái, không biết quan tâm, động viên nhau và tạo sự gắn kết, gia đình rất dễ đi đến tan rã hoặc không hạnh phúc. Rất nhiều cặp vợ chồng đều cho rằng để giữ gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái tốt cả vợ và chồng đều phải biết cách ứng xử trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, quan tâm đến nhau. Chồng cần thường xuyên làm việc nhà với vợ, cùng chăm dạy con cái. Khi có sự bất đồng quan điểm cần bình tĩnh để không có những lời nói, hành động gây tổn thương cho nhau.

Quan hệ giữa bố mẹ già với con cái đã trưởng thành cũng là cả một vấn đề nếu không biết ứng xử thỏa đáng. Con cái có trách nhiệm, nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già, từ trước đến nay đạo lý này không thay đổi. Song, do cuộc sống bận rộn, cộng với những tác động của lối sống ích kỷ cá nhân đã ảnh hưởng không ít đến đạo lý này. Không ít người già không được con cái chăm sóc chu đáo, thậm chí có trường hợp bị ngược đãi. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình vẫn tìm được “tiếng nói chung” giữa cha mẹ già và con cái đã trưởng thành. Nhiều gia đình bố mẹ già vẫn ở với gia đình con, chủ động giúp đỡ con trong khả năng có thể, không còn quá nặng nề trong phân biệt con dâu, con gái, con trai, con rể, yêu thương các con và có sự bình đẳng trong đối xử. Con cái cũng biết cách sắp xếp để bố mẹ được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

Ở góc độ gia đình rộng lớn hơn bao gồm cả anh chị em khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, hầu hết các gia đình đều tìm được tiếng nói chung và có sự ứng xử hài hòa, tạo sự gắn kết. Ví dụ thường xuyên có sự thăm hỏi, động viên, quan tâm, giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, cũng có một số gia đình anh em xảy ra bất hòa, thậm chí kiện cáo, không nhìn mặt nhau, chủ yếu liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi. Ví dụ trong gia đình có người không thực hiện tốt việc chăm sóc bố mẹ già, ỷ lại cho các anh chị em khác. Hoặc tài sản của bố mẹ để lại không được phân chia công bằng. Trong những tình huống này nếu anh chị em muốn đòi sự công bằng thì rất dễ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp và hậu quả là anh em không nhìn mặt nhau. Nhưng nhiều người, nhiều gia đình đã tìm ra giải pháp khi rơi vào tình huống này mà không mất tình anh em, đó là đề cao tình yêu thương và buông bỏ, tha thứ. Bởi, bố mẹ là người sinh ra, nuôi dưỡng chăm sóc mình trưởng thành, vì vậy phụng dưỡng bố mẹ khi về già không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là đạo hiếu và là tấm gương để con cháu nhìn vào học tập. Hoặc khi tài sản của bố mẹ để lại bị phân chia không công bằng, nhiều người buông bỏ, hài lòng, với suy nghĩ: Của cải là vật ngoài thân, đủ sống, đủ dùng là được. Bố mẹ sinh mình ra, nuôi mình lớn lên lương thiện, đó đã là điều quý giá nhất. Lọt sàng xuống nia, mình thiệt một chút thì anh chị em được hưởng, không đi đâu mà mất, quan trọng tình cảm gia đình vẫn còn.

Hội nhập và những ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài đã tác động không nhỏ đến “tế bào” của xã hội là gia đình. Gia đình có vững bền, hạnh phúc, xã hội mới ổn định và phát triển. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ. Bộ tiêu chí vừa kế thừa những nét tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt, vừa bổ sung những nét mới cho phù hợp với xã hội hiện đại. Các cấp, ngành, đoàn thể, khu dân cư và người dân đã và đang bám sát Bộ tiêu chí để triển khai, đẩy mạnh các phong trào hướng đến xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/ung-xu-trong-gia-dinh-thoi-hien-dai-126577.html