Ủy ban Chứng khoán: Nâng hạng quan trọng, nhưng giữ hạng còn khó hơn

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Chiều 2/7, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2025. Tại đây, ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trả lời câu hỏi của báo chí về những vướng mắc trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Ông Thu nhắc lại, theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng hạng thị trường vào năm 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải tiến kỹ thuật, đến tăng cường tiếp xúc với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ về mức độ phát triển của thị trường.

Về phía chính sách pháp lý, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản quan trọng như Thông tư 68 về hoạt động giao dịch không ký quỹ, được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

"Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho việc thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – một yêu cầu then chốt trong quá trình nâng hạng", ông Thu cho hay.

Bên cạnh đó, ông Thu cho biết hệ thống KRX vận hành an toàn, thông suốt từ ngày 5/5 đến nay, chưa ghi nhận trục trặc kỹ thuật nào.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 (Ảnh: Hữu Thắng).

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 (Ảnh: Hữu Thắng).

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp, ban hành Thông tư 03 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong khâu công chứng khi mở tài khoản giao dịch.

Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 155 (ban hành năm 2020), để làm rõ và thể chế hóa các nội dung mới theo tinh thần của Luật Chứng khoán số 56. Trong đó có một điểm mấu chốt là khẳng định mô hình thanh toán bù trừ trung tâm không chỉ áp dụng cho chứng khoán phái sinh mà cả với thị trường chứng khoán cơ sở.

Một điểm nữa đang được điều chỉnh trong Nghị định 155, theo ông Thu là quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức niêm yết. Đây là vấn đề các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm.

Ông Thu nhấn mạnh, việc sửa đổi nhằm thể hiện rõ sự cởi mở, minh bạch và bình đẳng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, đúng theo định hướng chiến lược của Chính phủ.

Về mặt kỹ thuật, Ủy ban Chứng khoán đã triển khai các giải pháp hỗ trợ như thiết kế tài khoản tổng trong thanh toán bù trừ để tạo thuận lợi cho hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài.

"Bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý và kỹ thuật, tăng cường đối thoại với nhà đầu tư quốc tế, thông qua các đoàn xúc tiến đầu tư. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đã trực tiếp tham gia một số đoàn công tác quan trọng. Đồng thời, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức xếp hạng, cập nhật thông tin và nỗ lực cải cách của Việt Nam", ông Thu chia sẻ.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết, đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

"Việc được nâng hạng là quan trọng, nhưng duy trì được thứ hạng sau khi được nâng còn khó hơn. Vì vậy, mọi cải cách hiện nay đều nhằm hướng tới sự bền vững, lâu dài và đáp ứng kỳ vọng thực chất của nhà đầu tư", ông Thu nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Thu khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/uy-ban-chung-khoan-nang-hang-quan-trong-nhung-giu-hang-con-kho-hon-204250702152256108.htm