V-League 2020 trước đại dịch COVID-19: Khó nhưng phải quyết

Các CLB sẽ họp để có tiếng nói chung với VPF nhằm tìm giải pháp tốt nhất cho V-League 2020

Trước đại dịch COVID-19, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không thoát khỏi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng. Đã có những phương án đề ra, nhưng đâu là phương án hiệu quả nhất, đồng thuận nhất vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải.

Đá tập trung tại khu vực miền Bắc

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã tìm mọi giải pháp để V-League 2020 không bị hủy. Theo ông Tú, không thể hủy mùa giải 2020 vì đơn giản nó ảnh hưởng đến các CLB lẫn kế hoạch của đội tuyển quốc gia. Giải pháp mà VPF đề ra là đá tập trung. Sau khi có văn bản tham khảo đến các CLB, có 6 đội bóng đồng ý với VPF về kế hoạch V-League 2020 đá tập trung ở miền Bắc, nhưng trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Đó là các đội: Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh, Hà Nội FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Viettel và Thanh Hóa. 3 đội không ủng hộ kế hoạch của VPF là Nam Định, Bình Dương và Quảng Nam. Hoàng Anh Gia Lai không có ý kiến và theo cách phát biểu mới đây của Bầu Đức, nhiều khả năng đội bóng phố núi sẽ không tham gia cách đá tập trung như VPF đề xuất nhằm đảm bảo an toàn cho các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai.

Trở lại với phương án đá tập trung ở miền Bắc. Theo VPF V-League 2020 tập trung tại miền Bắc gồm 14 đội bóng, chia làm 3 nhóm: Nhóm các đội được thi đấu trên sân nhà: Hà Nội (Hàng Đẫy), Viettel (Hàng Đẫy), Nam Định (Thiên Trường), Quảng Ninh (Cẩm Phả), Thanh Hóa (sân Thanh Hóa), Hải Phòng (Lạch Tray). Nhóm các đội sử dụng sân nhóm 1 làm sân nhà: Quảng Nam (Lạch Tray), Đà Nẵng (Cẩm Phả), Sông Lam Nghệ An (Thanh Hóa), Hoàng Anh Gia Lai (Thiên Trường). Nhóm các đội mượn sân trung lập làm sân nhà: TP Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC (Mỹ Đình), Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (PVF), Bình Dương (sân PVF). Thời gian dự kiến tổ chức lượt đi là từ 15/4-29/5 hoặc 1/5-28/6. VPF cho biết ưu điểm của phương án này là sẽ đáp ứng tiêu chí sân nhà - sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp, đảm bảo thể lực cho cầu thủ, không trễ ngày kết thúc. Đội tuyển Việt Nam chủ động được kế hoạch cho Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020.

“V.League chỉ nên thi đấu trở lại khi được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Khi nào dịch bệnh được xác định không còn nguy hiểm thì chúng ta mới nên đá bóng. Hà Nội FC ủng hộ kế hoạch đá lượt đi ở miền Bắc, nhưng thời gian cụ thể tôi cho rằng cần tùy diễn biến dịch”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thể thao T&T, ông Nguyễn Quốc Hội cho biết.

Bỏ ngỏ khả năng sẽ hủy

Như đã nói, VPF đưa ra phương án, nhưng tổ chức này cần sự đồng thuận của tất cả các đội bóng dự V-League. Trong trường hợp có một CLB không đồng ý, giải nhiều khả năng sẽ hủy và các CLB sẽ làm lại từ đầu. Một số phân tích cho rằng, hủy giải không phải là giải pháp tồi và nó cũng là phương án cần được tính toán trong bối cảnh chưa ai biết khi nào dịch COVID-19 sẽ được khống chế hoàn toàn.

Tính đến thời điểm này, các CLB vẫn trả lương cho cầu thủ, bộ máy hoạt động và đang chế độ chờ. Mọi chi phí phục vụ đội bóng vẫn giữ nguyên và không loại trừ khả năng sẽ có một số CLB “đuối” về kinh phí nếu giải đấu vẫn “treo” vô thời hạn như hiện nay. Nếu hủy giải, các CLB sẽ không phải chi trả khoảng kinh phí ấy theo tinh thần thiệt hại chung đang diễn ra trên toàn thế giới.

Vì sao xem việc hủy bỏ toàn bộ mùa giải là phương án hợp lý nhất, ít thiệt hại nhất. Đầu tiên, quỹ lương sẽ giảm ít nhất 50%. Với ngân sách trung bình 35 tỉ đồng mỗi mùa giải và nguồn thu từ bán vé rất hạn chế, thì trong trường hợp hủy mùa giải, số tiền CLB bỏ ra chỉ vào khoảng 10 tỉ đồng. Với đa phần các CLB đều dùng tiền của doanh nghiệp sở hữu, cùng hỗ trợ từ ngân sách địa phương, con số này hoàn toàn giải quyết được. Giữa việc cố gắng thi đấu ở một thể thức đặc biệt nào đó, với việc hủy toàn bộ mùa giải, rõ ràng phương án hủy giải ít thiệt hại hơn cho CLB.

Dư luận hoan nghênh sự nhanh nhạy của VPF, nhằm tìm kiếm sự tối ưu để giúp V-League 2020 diễn ra trong trạng thái an toàn và không bị thiệt hại nặng nề về giá trị kinh tế. Nhưng tất cả những giải pháp mà VPF đưa ra phải tuân thủ theo hai nguyên tắc: thứ nhất là sự đồng thuận của tất cả các CLB thành viên, tiếp đến là không đi ngược lại với những giải pháp mà Đảng và Nhà nước đang ra sức chống dịch COVID-19.

Bóng đá là môn thể thao “vua”, nhưng suy cho cùng, nó chỉ là địa hạt nhỏ trong bức tranh toàn cảnh và Việt Nam đang ra sức chống dịch COVID-19.

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/236951/v-league-2020-truoc-dai-dich-covid-19--kho-nhung-phai-quyet.html