V-League: Những tay chơi xoay chuyển cán cân quyền lực
V-League sau một thập niên chứng kiến sự thống trị của các đội bóng liên quan đến bầu Hiển thì hiện tại đã thêm những 'tay chơi' mới, đẩy cuộc chơi đến một cục diện mới. Không chỉ dừng lại ở chiếc cúp vô địch, bóng đá Việt Nam thậm chí có thể đi theo những ngã rẽ khác.

Cuối tháng 4/2025, Thép Xanh Nam Định thông báo gia hạn hợp đồng với hơn một chục cầu thủ, nhiều trường hợp tới năm 2031. Trong số này có tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son, người góp công lớn vào chức vô địch của Nam Định mùa giải trước và cũng tỏa sáng rực rỡ ở ASEAN Cup 2024 cùng đội tuyển Việt Nam.
Số còn lại là các ngoại binh Lucas, Araujo, Caio Cesar hay nội binh như Nguyễn Phong Hồng Duy, thủ môn Trần Nguyên Mạnh, hậu vệ Dương Thanh Hào, Văn Vĩ, Trần Văn Kiên…Đó là một cú ra tay dứt khoát, và có thể nói, tác động đáng kể tới tinh thần phần còn lại đang trong cuộc đua vô địch.
V-League từng chứng kiến nhiều tay chơi lớn với công thức như Nam Định: mua sắm ào ạt trên thị trường chuyển nhượng, tạo nên một đội bóng cực mạnh đủ khả năng thách thức các quyền lực cũ. Một đội hình “dream team” với những gương mặt xuất sắc bậc nhất, những chiếc cúp vô địch chóng vánh. Có thể kể đến những ví dụ điển hình như Becamex Bình Dương hay HAGL của bầu Đức trước đây, hoặc chỉ trước Nam Định không lâu là CAHN.
Nhưng tất cả vẫn ngả mũ trước Nam Định với tốc độ mua sắm bậc nhất và tập trung khá nhiều vào ngoại binh. Lực lượng ngoại binh hùng hậu cũng chính là điểm tựa mạnh nhất đưa Nam Định 2 lần đăng quang ở V-League. Mùa trước, bộ đội Hendrio-Nguyễn Xuân Son là mối đe dọa lớn nhất với khung thành các đối thủ và năm nay, Nam Định vẫn không ngừng tăng cường ngoại binh.

Ngoại binh là nguồn lực giúp Nam Định chiếm ưu thế trong cuộc đua với các đối thủ
Hơn một thập niên trước, V-League gần như được thống trị bởi các đội bóng mang bóng dáng của bầu Hiển phía sau, đó CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam. Chỉ riêng CLB Hà Nội đã có tới 6 chức vô địch V-League, SHB chiến thắng năm 2012 và Quảng Nam là câu chuyện cổ tích ở mùa giải 2017.
Bất chấp những góc nhìn khác nhau, người ta không thể phủ nhận một thực tế bầu Hiển đã tạo nên một “đế chế” với ảnh hưởng quyền lực lớn lên bóng đá Việt Nam. Ở khía cạnh thành tích, Hà Nội là đội bóng thành công bậc nhất trong lịch sử, và hiện vẫn duy trì nền tảng cơ bản tốt.
Cuộc chơi hiện nay đã thay đổi….
Bóng đá Việt, một ngã rẽ mới?
Trong 4 mùa giải gần nhất, lần lượt V-League đã chứng kiến các ông “vua” mới đăng quang, từ Thể Công Viettel tới CAHN rồi Nam Định. Hà Nội sau những thành công ở đỉnh cao có dấu hiệu lùi xuống một nhịp và mới vừa trở lại ở mùa giải năm nay với vị trí Á quân.
Sự khác biệt của Nam Định so với Becamex Bình Dương hay HAGL có lẽ là nền tảng cũ. Nam Định là địa phương có truyền thống bóng đá, từng khuấy đảo V-League và cũng sở hữu một lực lượng CĐV đông đảo, cuồng nhiệt.
Đây là những yếu tố Bình Dương hay HAGL và thậm chí là Hà Nội không có và chỉ cần có chất xúc tác, nó hợp lại tạo nên một đội bóng mới giàu sức mạnh. Điều dễ nhận thấy các đội bóng trên đều tập trung ở phía bắc, không kể Hải Phòng hay Thanh Hóa đều từng vào tốp 3. Cuộc vui một thời tập trung ở phương nam thì giờ trở nên sôi động trên các khán đài miền bắc.

Cuộc đua ở V-League ngày càng giàu sức cạnh tranh và khó đoán với những tay chơi mới và cũ đều giàu tham vọng và quan hệ.
Cuộc chơi V-League cũng trở nên khó lường hơn khi các tay chơi lớn đều giàu tiềm lực, tham vọng và cả quan hệ. Nếu trước đây CLB Hà Nội gần như độc diễn ở nhóm đầu thì hiện nay, cuộc đua trở nên phức tạp, khó đoán hơn. Nam Định vẫn đang thế thượng phong, nhưng CLB Hà Nội đã có dấu hiệu hồi sinh và Thể Công Viettel hay CAHN cũng không giấu tham vọng bứt phá.
Và nếu trước đây các CLB dù mạnh mẽ cỡ nào cũng khó đem lại tác động bao trùm tới nền bóng đá thì hiện nay, các “tay chơi” đủ khả năng dẫn cuộc đua ở V-League chạy theo những ngã rẽ mới khó đoán.