Vai trò chiến lược của tên lửa Triều Tiên vừa phóng thử

Giới phân tích nhận định, tên lửa mới có thể có khả năng hạt nhân và vụ thử có thể khiến Triều Tiên chịu thêm các lệnh cấm vận.

Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công một loạt vụ thử tên lửa hành trình tầm xa mới vào cuối tuần, tiếp tục mở rộng năng lực quân sự giữa lúc đàm phán hạt nhân với Mỹ đình trệ.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 13/9, mô tả các tên lửa hành trình mới này được phát triển trong 2 năm qua và đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa 1.500km rồi rơi xuống biển. Bình Nhưỡng ca ngợi đó là "vũ khí chiến lược rất quan trọng", đáp ứng yêu cầu của nhà lãnh đạo Kim Jong Un về việc tăng cường năng lực quân sự của đất nước.

Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên thực hiện các vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa. Ảnh ghép được KCNA đăng tải ngày 13/9.

Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên thực hiện các vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa. Ảnh ghép được KCNA đăng tải ngày 13/9.

Lần gần đây nhất Triều Tiên thử tên lửa là vào tháng 3, khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật mới. Chính quyền ông Kim Jong Un cũng tiến hành một vụ thử tên lửa hành trình chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1.

"Đây sẽ là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được chỉ định rõ ràng mang vai trò chiến lược" hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Ankit Panda, thành viên cấp cao của Tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ. "Đây là một cách nói phổ biến về hệ thống có khả năng hạt nhân".

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, một cuộc phân tích chuyên sâu đang được tiến hành với sự hợp tác chặt chẽ của tình báo Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối tiết lộ thông tin chi tiết, bao gồm nơi tiến hành vụ thử và liệu họ có phát hiện trước các vụ phóng của Triều Tiên hay không, theo Yonhap News.

Vụ thử mới nhất nêu bật tham vọng của Triều Tiên tiếp tục mở rộng chương trình vũ khí sau khi các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm dỡ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này bị đình trệ vào năm 2019. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, chứ không phải các tên lửa hành trình vốn bay ở độ cao thấp hơn và tầm bắn ngắn hơn.

Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - đã đăng tải một loạt hình ảnh về tên lửa hành trình tầm xa mới này ở trên không và phóng đi từ bệ phóng.

KCNA khẳng định, tên lửa mới là vũ khí chiến lược được phát triển trong 2 năm qua và là thành phần then chốt của kế hoạch 5 năm được triển khai từ tháng 1, nhằm thúc đẩy khoa học quốc phòng và tăng cường các kho vũ khí. Hãng tin này nêu cụ thể: "Các lần thử chi tiết các bộ phận tên lửa, điểm số các lần thử lực đẩy mặt đất của động cơ, thử bay, thử kiểm soát và dẫn đường, thử sức mạnh đầu đạn… đều diễn ra thành công ".

Mô tả động thái mới của Triều Tiên là "khiêu khích", Leif-Eric Easley - Phó giáo sư về nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ewha Womans ở Seoul - nhận định, thông tin trên chứng tỏ Bình Nhưỡng có kế hoạch thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vừa vào tên lửa. Theo ông, nếu đúng như vậy thì Triều Tiên "đáng phải chịu thêm các đòn cấm vận" của cộng đồng quốc tế.

Thông báo thử tên lửa được Bình Nhưỡng đưa ra chỉ một ngày trước khi các nhà đàm phán hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gặp nhau ở Tokyo để tìm kiếm cách thức phá vỡ bế tắc với Triều Tiên.

"Cuộc họp đó tập trung vào những cách thức sáng tạo để ràng buộc Bình Nhưỡng về mặt ngoại giao", ông Easley bình luận. "Tuy nhiên, giờ đây cần có một tuyên bố ba bên đề cập đến các biện pháp trừng phạt và hợp tác quốc phòng trong khi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế về quân sự, trở lại với đối thoại và chấp nhận hỗ trợ nhân đạo…".

Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẵn sàng sử dụng các kênh ngoại giao để đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên nhưng không thể hiện ý định giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/vai-tro-chien-luoc-cua-ten-lua-trieu-tien-vua-phong-thu-774402.html