Vai trò của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Trẻ em là niềm tự hào của gia đình, là tương lai của đất nước. Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được xem là một hành trình lâu dài, bền bỉ cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, gia đình được xem là thành trì vững chắc đóng vai trò then chốt, quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ.

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ.

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đề cao vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự ảnh hưởng của công nghệ, gia đình càng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và hình thành nhân cách của trẻ. Bởi, gia đình là tổ ấm của mỗi người, nơi con người sinh ra và được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc của các thành viên. Mỗi gia đình không chỉ gắn kết bằng sợi dây huyết thống mà ở đó các thành viên gắn kết với nhau bằng tâm hồn, đạo đức, trí tuệ, lối sống. Sự gắn kết đó đã xây dựng gia đình trở thành điểm tựa, tổ ấm của mỗi người.

Nói gia đình đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ bởi lẽ, gia đình là trường học đầu tiên trong đời mỗi người. Ngay từ khi được hình thành đến quá trình phát triển, mỗi người được trải qua quá trình giáo dục và liên tục tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên gia đình. Trong gia đình, bố mẹ, ông bà là những người gắn bó với trẻ nhiều nhất trong những năm đầu đời. Họ dạy trẻ lời ăn, tiếng nói, hành vi ứng xử. Việc giáo dục này được thông qua nhiều hình thức, mà phần lớn thông qua việc con trẻ học theo cha mẹ, ông bà và những người xung quanh. Từ đó, hình thành thói quen, tính cách và nhân cách của trẻ. Nếu trẻ học theo những điều chưa tốt mà không được cha mẹ, ông bà giáo dục, thay đổi thì những thói hư, tật xấu ấy dễ ăn sâu vào hành vi, thói quen và nhận thức của trẻ. Chính vì điều đó, chúng ta thấy những đứa trẻ mới 3 - 4 tuổi đã tự lập, kỷ luật và ngoan ngoãn, song cũng có những đứa trẻ ỷ lại, vô tổ chức và ngỗ ngược.

Không những là môi trường giáo dục đầu tiên, gia đình còn là nơi chăm sóc thể chất, nuôi dưỡng tinh thần của trẻ. Hiện nay, mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra đều nhận được sự chăm sóc về dinh dưỡng, được quan tâm phát triển thể chất, tinh thần một cách tốt nhất từ các thành viên trong gia đình. Cùng với đó, gia đình là nơi trẻ được bảo vệ toàn diện. Chúng ta cần hiểu rằng, bảo vệ không phải bao bọc, mà cách bảo vệ tốt nhất là tạo môi trường an toàn, lành mạnh; hình thành nhân cách, tính cách bản lĩnh cho trẻ và chuẩn bị hành trang cho trẻ thông qua việc giáo dục để trẻ tự tin bước vào đời và có đủ “sức đề kháng” chống lại những cạm bẫy, tệ nạn xã hội. Muốn vậy, gia đình phải thực sự trở thành nơi trẻ được thể hiện bản thân, được yêu thương, sẻ chia tâm tư tình cảm. Bởi, trẻ cảm thấy được yêu thương, tin tưởng thì trẻ mới tâm sự. Trẻ tâm sự thì bố mẹ mới thấu hiểu và đồng hành cùng con, giúp con vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.

Trong giai đoạn hiện nay, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, mạng xã hội, kết cấu gia đình thay đổi, sự gắn kết trong gia đình dần trở nên lỏng lẻo. Các thành viên trong gia đình dành nhiều thời gian cho công việc, sở thích cá nhân hơn việc giao tiếp, chia sẻ cùng nhau. Một hình ảnh dễ dàng nhận thấy nhất trong những ngôi nhà hiện nay đó là, các thành viên ngồi cùng nhau trong một căn phòng nhưng không ai nói chuyện với nhau mà mỗi người đang “làm bạn” với chiếc điện thoại thông minh. Thậm chí, nhiều người làm bố mẹ dần quên việc giáo dục, nuôi dưỡng con cái trong gia đình. Họ để con tự “vùng vẫy” trong việc lựa chọn tiếp nhận thông tin, kiến thức, kỹ năng mà không định hướng, giám sát con. Thực tế hiện nay đã minh chứng, những đứa trẻ phạm tội sớm, mắc vào các tệ nạn xã hội đều có gia đình không bền vững, hạnh phúc hoặc bố mẹ không dành thời gian quan tâm chăm sóc. Hoặc đau đớn hơn, nhiều trẻ bị bạo lực, xâm hại trong chính ngôi nhà của mình do sự gắn kết giữa các thành viên gia đình và tình thân đã trở nên lỏng lẻo trước sự xâm chiếm của lối sống cá nhân, ích kỷ và sự băng hoại đạo đức.

Có thể thấy, gia đình đóng một vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ. Để gia đình phát huy vai trò, góp phần hình thành nhân cách và tạo sự phát triển toàn diện của trẻ thì các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ. Trong đó, đề cao sự gắn kết, tôn trọng giữa các thành viên gia đình. Đồng thời, mỗi người làm cha, làm mẹ hãy phát huy tinh thần nêu gương, tự điều chỉnh hành vi, cảm xúc của mình làm chuẩn mực, điều chỉnh hành vi, lối sống của con. Quan tâm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ; giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống cũng như những giá trị văn hóa hiện đại cho trẻ; giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử cho trẻ. Cùng với đó, bố mẹ cần kết nối với nhà trường, xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/vai-tro-cua-gia-dinh-trong-bao-ve-cham-soc-va-giao-duc-tre-em-31412.htm