Vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định

BHG - Trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ phương Đông nói chung không còn đơn thuần giữ vai trò “nội trợ”, “giữ lửa” trong gia đình mà họ đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nếu gia đình được coi là “tế bào của xã hội” thì người phụ nữ được coi là “hạt nhân” của tế bào này. Ảnh hưởng của người phụ nữ không chỉ tác động mà còn quyết định đến hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống gia đình. Với vai trò thiên bẩm làm mẹ, người phụ nữ đã sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái từ bé cho tới lớn. Bên cạnh vai trò làm mẹ, từ xưa đến nay người phụ nữ vẫn khẳng định vai trò và tỏa sáng nhất trong việc tề gia nội trợ. Không chỉ là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình, nâng giấc, chăm lo bữa ăn… cho các thành viên, người phụ nữ còn là hậu phương vững chắc, động viên, giúp đỡ chồng con vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống, là bến đỗ bình an, là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên sau những giờ học tập, làm việc vất vả.

Phụ nữ Báo Hà Giang duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: Trần Kế

Phụ nữ Báo Hà Giang duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: Trần Kế

Đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, không những chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các nhiệm kỳ gần đây. Đại hội XIII của Đảng đã công bố danh sách cử BCH Trung ương Đảng khóa XIII gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Trong số 19 ủy viên nữ trong BCH Trung ương thì có 18 nữ ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Hiện nay, 1 đồng chí nữ đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; 1 đồng chí đang giữ vị trí Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2 đồng chí là Bộ trưởng. Trong số 499 đại biểu Quốc hội trúng cử khóa XV có 30% là nữ giới (tương đương 151 người), việc đảm bảo tỷ lệ nữ khá cao trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội. Nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Dù đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng đại đa số các nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, là những người lãnh đạo gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tóm lại, với truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình không chỉ với gia đình mà còn với cả xã hội. Với tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ của những người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời đại mới đã và đang làm lên tượng đài đẹp nhất, thiêng liêng nhất về người mẹ, người phụ nữ, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Long (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202403/vai-tro-vi-the-cua-phu-nu-viet-nam-ngay-cang-duoc-khang-dinh-c5f5468/