Văn Bàn: Các trường học xoay xở khi rau xanh tăng giá

Giá các loại rau, củ tăng chóng mặt khiến các trường bán trú và nội trú trên địa bàn huyện Văn Bàn gặp khó trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh.

Giáo viên Trường Mầm non Minh Lương chăm sóc vườn rau.

Giáo viên Trường Mầm non Minh Lương chăm sóc vườn rau.

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDT bán trú THCS Sơn Thủy có 194 học sinh bán trú, trung bình mỗi ngày sử dụng 50 - 60 kg rau xanh, cà chua và hành lá. Từ trung tuần tháng 10/2021 đến nay, giá rau xanh, cà chua, hành lá liên tục tăng, trong đó rau cải tăng từ 16.000 đồng lên 22.000 đồng/kg, hành lá tăng từ 40.000 đồng lên 70.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/kg.

Thầy giáo Ngô Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Sơn Thủy cho biết: Trước “bão giá”, nhà trường phải linh hoạt, bù đắp giữa các loại thực phẩm để bữa ăn của học sinh đảm bảo dinh dưỡng, vẫn có đủ rau, thịt, trứng, nhưng không làm phát sinh chi phí. Nói thì dễ, nhưng để có bữa ăn đảm bảo trong “bão giá” thì không đơn giản. Do vậy, rất cần phụ huynh học sinh chia sẻ và đồng thuận với nhà trường. Về lâu dài, nhà trường có phương án thuê lại 3 sào đất ruộng của 1 hộ gần trường để trồng rau. Như vậy, mỗi ngày nhà trường sẽ giảm được 50% lượng rau xanh phải mua.

Với 344 học sinh mầm non, mỗi ngày Trường Mầm non xã Minh Lương cần sử dụng khoảng 22 kg rau xanh để chế biến bữa ăn cho trẻ. Từ năm học 2018 - 2019, cán bộ, giáo viên nhà trường triển khai mô hình vườn rau công đoàn để gây quỹ và cung cấp nguồn rau an toàn cho học sinh. Do đó, trường không phải nhập rau từ các nhà cung cấp như các điểm trường khác trên địa bàn. Việc tự chủ được nguồn rau xanh không chỉ mang đến bữa ăn đảm bảo, mà còn giúp tiết kiệm chi phí trong thời điểm giá rau xanh tăng chóng mặt như hiện nay. Theo tính toán, mỗi ngày trường tiết kiệm được hơn 350.000 đồng tiền mua rau. Số tiền tiết kiệm được từ tự chủ rau xanh, nhà trường sử dụng để tăng các món giàu đạm cho khẩu phần ăn của học sinh.

Để tự chủ cung cấp rau xanh cho học sinh, sau những giờ lên lớp, cán bộ, giáo viên nhà trường lại dành thời gian chăm sóc diện tích trồng rau hơn 400 m2 tại điểm trường chính và 200 m2 trồng rau tại các điểm trường lẻ. Mùa nào thức nấy, từ cải xanh, cải bắp, súp lơ, su hào, su su, rau bí… đến hành, tỏi và các loại rau gia vị được cán bộ, giáo viên nhà trường luân phiên trồng, chăm sóc, đảm bảo nguồn rau xanh cho bữa ăn của học sinh trong cả năm học. Mỗi kg rau xanh từ vườn rau công đoàn cung cấp cho học sinh luôn được tính với mức giá thấp hơn 50% so với giá thị trường. Số tiền thu được từ cung cấp rau xanh được trích một phần gây quỹ công đoàn, còn lại để đầu tư phân bón và hạt giống cho vụ rau kế tiếp.

Nhân viên cấp dưỡng Trường PTDT bán trú THCS Sơn Thủy chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Nhân viên cấp dưỡng Trường PTDT bán trú THCS Sơn Thủy chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Minh Lương cho biết: Với suất ăn định mức 13.000 đồng/trẻ/ngày thường và 15.000 đồng/trẻ/ngày dinh dưỡng, nếu không tự chủ được nguồn rau xanh với giá rẻ thì bữa ăn của trẻ chắc chắn sẽ giảm chất lượng. Vườn rau công đoàn cũng được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ, hỗ trợ phân bón và công chăm sóc để có thể cung cấp rau xanh an toàn cho các con. Ngoài cung cấp rau xanh giá rẻ cho bữa ăn học sinh tại trường, vừa qua, trường cũng hỗ trợ cung cấp hơn 30 kg rau xanh giá bằng 50% thị trường cho trường mầm non các xã Nậm Xây và Nậm Xé. Ngoài cung cấp rau xanh, vườn rau công đoàn cũng là khu vực trải nghiệm, khám phá thú vị cho trẻ mầm non.

Huyện Văn Bàn hiện có 66 trường học từ mầm non đến THCS bán trú và có học sinh bán trú với khoảng 11.000 học sinh. Những năm học vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn trồng rau các loại, vừa để học sinh trải nghiệm, vừa có rau xanh phục vụ bữa ăn cho học sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cho biết: Căn cứ vào quỹ đất thực tế, từng trường trồng rau phù hợp với mùa vụ và đối tượng học sinh. Đến nay, hầu hết trường học trên địa bàn đã có vườn rau xanh, trường ít cũng có 100 - 200 m2, trường nhiều thì 700 - 800 m2, trong đó có những trường tự chủ được 60% - 70% nhu cầu rau xanh, như Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, Trường THCS Khánh Yên Thượng, Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Làng Giàng, Trường PTDT bán trú THCS Thẩm Dương, Trường Tiểu học Thẩm Dương.

Được biết, mỗi ngày các trường sử dụng khoảng 400 kg rau xanh, tuy nhiên các trường đã tự chủ được gần 50%. “Nhờ chủ động trồng rau xanh mà các trường xoay xở được trong “bão giá”. Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường khai thác quỹ đất để mở rộng diện tích trồng rau xanh. Song song với đó, tuyên truyền, vận động phụ huynh chung tay hỗ trợ rau xanh (nếu có) để không ảnh hưởng đến bữa ăn của học sinh”, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349618-van-ban-cac-truong-hoc-xoay-xo-khi-rau-xanh-tang-gia