Văn Chấn huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

Huyện Văn Chấn đã huy động được các nguồn lực, đặc biệt là sự chung sức của người dân để kiên cố hóa hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Văn Chấn về vấn đề này.

Nhân dân thị trấn nông trường Liên Sơn tham gia kiên cố hóađường giao thông nông thôn.

Nhân dân thị trấn nông trường Liên Sơn tham gia kiên cố hóađường giao thông nông thôn.

P.V : Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được của địa phương trong phát triển hạ tầng GTNT?

Đồng chí Đinh Văn Trường : Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã huy động các nguồn lực để mở mới, mở rộng và kiên cố hóa được trên 250 km đường GTNT; trong đó: năm 2021 là 73,8 km; năm 2022 là 86,8 km; năm 2023 phấn đấu trên 90 km. Đến nay, trên địa bàn huyện có 10,2 km đường đô thị; đường huyện 288,9 km; 16,7 km đường trục xã, liên xã; 346,7 km đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm và 493,3 km đường nội đồng, đường sản xuất, đường khác. Tỷ lệ cứng hóa đạt 71,4%. 51/68 thôn, bản có đường giao thông đảm bảo đi lại, cứng hóa.

Đặc biệt, một số tuyến đường giao thông trọng yếu đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp góp phần hình thành hệ thống giao thông liên vùng như đường Văn Chấn (Yên Bái) - Yên Lập (Phú Thọ), đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC 12) với tỉnh lộ 172, tỉnh lộ 173; đường Nghĩa Tâm - Trung Sơn; đường Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô..., góp phần thông thương, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.

P.V: Thưa đồng chí, ngoài các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, người dân trên địa bàn đã tham gia như thế nào vào quá trình kiên cố hóa đường GTNT? Đâu là vấn đề cốt lõi để nhân dân tham gia đóng góp, chung sức làm đường GTNT?

Đồng chí Đinh Văn Trường: Ngoài các nguồn lực từ sự hỗ trợ của Nhà nước, còn có sự tham gia, vào cuộc tích cực của người dân bằng các hành động như: tự nguyện hiến đất, nhà cửa, các công trình vật kiến trúc và cây cối, hoa màu để làm đường giao thông, giảm chi phí đầu tư cho công trình, dự án cho công tác giải phóng mặt bằng. Từ năm 2022 đến nay, có trên 1.790 hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất và tài sản trên đất với trên 395.000 m2 đất và các công trình khác trên đất tương đương giá trị khoảng 24 tỷ đồng.

Để nhận được sự ủng hộ, tham gia đóng góp, chung sức, đồng lòng trong công tác làm đường GTNT của nhân dân, vấn đề cốt lõi là để nhân dân nhận thức rõ về vai trò của mình và lợi ích trong triển khai xây dựng GTNT, góp phần thuận tiện trong việc đi lại, thông thương trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thông.

Ngay từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng đường GTNT, các xã, thị trấn đã tổ chức họp bàn công khai trong toàn hệ thống chính trị từ các ban, ngành, đoàn thể đến các hộ dân trên tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước bỏ vốn, nhân dân hiến đất, tất cả chung sức, đồng lòng vì mục tiêu chung.

P.V: Xin đồng chí cho biết mục tiêu và định hướng thời gian tới của huyện trong phát triển hạ tầng GTNT? Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung triển khai những giải pháp trọng tâm nào, nhất là việc huy động nguồn lực từ nhân dân trên địa bàn?

Đồng chí Đinh Văn Trường: Định hướng của huyện đến năm 2025 có 70% các tuyến đường liên thôn, bản các xã vùng cao, 100% các tuyến đường xã, đường liên thôn bản thuộc các xã vùng ngoài được cứng hóa, riêng giai đoạn 2021-2025 hoàn thành kiên cố hóa 300 km trở lên.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện huy động tối đa mọi nguồn lực, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển GTNT; tăng cường vai trò chủ thể của nhân dân về đầu tư xây dựng GTNT bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền và phát động phong trào thi đua: đa dạng, nhiều hình thức, gắn với các hoạt động thực tiễn để mọi người dân hiểu rõ, người dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình sáng tạo, hiệu quả, có sức lan tỏa để phổ biến kịp thời cho các địa phương, đơn vị vận dụng làm theo; đồng thời, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình và tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn quản lý theo quy định.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hùng Cường ( thực hiện)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/302450/van-chan-huy-dong-moi-nguon-luc-phat-trien-giao-thong-nong-thon.aspx