Vẫn còn loay hoay trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tăng tính minh bạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính. Song nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay, chưa rõ về cách thức triển khai và lo ngại về chi phí.
Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Ngày 18/7, tại TP.HCM, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, phối hợp Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Ecotech – Techfest Việt Nam và Công ty CP công nghệ Checkee tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc nông sản và lộ trình ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Ông Phạm Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Checkee trình bày tham luận các giải pháp công nghệ có thể ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam cùng nhiều chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm không còn là sự lựa chọn mà là khâu bắt buộc đối với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nếu muốn hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa không chỉ có ý nghĩa là sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: tăng tính minh bạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính.
Đặc biệt truy xuất nguồn gốc còn làm lành mạnh hóa thị trường, giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro và loại bỏ rủi ro ngay khi sản xuất, không còn nỗi lo hàng gian, hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng thư ký Hội tự động hóa Việt Nam truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Thế nhưng, tại hội thảo và thực tế, phần lớn doanh nghiệp, nhà nông vẫn loay hoay, chưa rõ về cách thức triển khai, phân vân về lựa chọn công nghệ phù hợp. Thậm chí có doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về chi phí đầu tư chuyển đổi và cho rằng đây là bài toán quá sức.
“Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm không phải doanh nghiệp chứng minh mình là ai, mà đó là câu chuyện để bảo vệ giá trị của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Cho nên, tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn. Đặc biệt với các doanh nghiệp vừa nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta thì đang rất lúng túng, còn cần phải nỗ lực rất nhiều. Còn về góc độ thể chế và hành lang pháp lý, mặc dù Nhà nước ta đã rất nỗ lực có nhiều thay đổi để hội nhập sâu quốc tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn đâu đó những hạn chế từ hành lang pháp lý cũng như thiếu một “bệ đỡ” - platform ở góc độ quốc gia. Ví dụ như sự chuẩn hóa và dữ liệu dùng chung như nào?”, ông Cường cho biết.
Giải pháp đã có sẵn, chỉ là chưa biết áp dụng
Hội thảo cũng được lắng nghe các chuyên gia kinh tế, công nghệ chia sẻ, gợi ý về các ứng dụng công nghệ và giải pháp khai thác các công nghệ sao cho có lợi nhất trong truy xuất nguồn gốc.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp, nhà nông đặt nhiều câu hỏi bày tỏ loay hoay, chưa rõ về cách thức triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Theo ông Phạm Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Checkee, các giải pháp công nghệ như: mã số, mã vạch, blockchain đã sẵn có, vấn đề chỉ là doanh nghiệp chưa biết cách áp dụng phù hợp.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ông Quân nhấn mạnh các doanh nghiệp không cần quan tâm đến công nghệ cụ thể, mà chỉ cần tìm được đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp với doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu báo cáo và kết nối với dữ liệu dùng chung.

Các chuyên gia, diễn giả giải đáp các thắc mắc của đại diện doanh nghiệp, nhà nông. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
“Truy xuất nguồn gốc cũng giống như phần kế toán, hay một số giải pháp khác. Đó là chỉ cần một công cụ làm theo tiêu chuẩn để giải quyết được câu chuyện là giúp cho doanh nghiệp bảo vệ được sản phẩm, bảo vệ thương hiệu trong chuỗi cung ứng. Và cuối cùng là đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tức là dùng công nghệ nào cũng được, miễn là giải quyết câu chuyện theo quy trình, tiêu chuẩn là xong. Còn việc khác cứ để cho các công ty tư vấn giải pháp hay cơ quan quản lý nhà nước xử lý sẽ nhẹ nhàng hơn và đỡ đi gánh nặng về tài chính và lo lắng của chúng ta”, ông Quân nói.
Dịp này, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao cùng Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Ecotech – Techfest Việt Nam và Công ty CP công nghệ Checkee đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều doanh nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, ESG và phát triển bền vững.