Vận động quyên góp phòng dịch bệnh do nCoV

Theo Roi-tơ, Tân Hoa xã và TTXVN, ngày 6-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã vận động quyên góp 675 triệu USD cho kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) gây ra, chủ yếu thông qua đầu tư vào các quốc gia bị xem là đặc biệt 'có nguy cơ'.

Theo đó, WHO sẽ trích 60 triệu USD để chi cho các hoạt động phòng, chống nCoV, trong khi phần còn lại sẽ được chuyển tới các quốc gia cần hỗ trợ để ngăn ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, WHO sẽ gửi 500 nghìn khẩu trang và 40 nghìn mặt nạ phòng độc tới 24 quốc gia để hỗ trợ dập dịch.

* Trước đó, đại diện Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates cam kết tài trợ 100 triệu USD cho nỗ lực toàn cầu ứng phó với dịch bệnh do nCoV.

* Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thông báo đến nay, đã có tổng cộng 21 quốc gia trên thế giới tài trợ vật dụng y tế để giúp Trung Quốc ngăn ngừa và kiểm soát nCoV lây lan. Chính phủ Trung Quốc cảm ơn sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin và hợp tác với các nước khác nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong khu vực và trên toàn cầu.

* Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 6-2 cho biết, số trường hợp nhiễm nCoV ở Trung Quốc đã lên tới hơn 28 nghìn người với gần 3.700 ca nhiễm mới. Tính đến sáng 6-2, dịch bệnh đã làm ít nhất 564 người chết. Tuy nhiên, tính đến cuối ngày 5-2, có tổng cộng 1.153 bệnh nhân nhiễm nCoV đã xuất viện sau khi bình phục.

* Bộ trưởng Nội vụ Ô-xtrây-li-a P.Ðắt-tơn đã xác nhận 14 trường hợp nhiễm nCoV và hơn 200 trường hợp nghi nhiễm. Trong tuần này, một chuyến bay của Hãng hàng không Qantas đã đưa 238 công dân Ô-xtrây-li-a rời Trung Quốc về đảo Cri-xmớt để cách ly trong vòng 14 ngày.

* Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận thêm bốn ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân hiện nay lên 23 người. Hàn Quốc quy định từ ngày 7-2, bất cứ người nào từng tới thăm bất cứ khu vực nào của Trung Quốc và có những triệu chứng như tăng thân nhiệt hoặc các vấn đề về hô hấp đều có thể bị phân loại là "ca nghi nhiễm" và phải kiểm tra y tế.

* Ðài Loan (Trung Quốc) ghi nhận thêm hai ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại hòn đảo này lên 13 người. Giới chức y tế Ðài Loan đã cấm toàn bộ các tàu du lịch quốc tế cập cảng hòn đảo này từ ngày 6-2 trong bối cảnh mối đe dọa về dịch bệnh gia tăng, sau khi khoảng 20 người trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Nhật Bản có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

* Ngày 6-2, nhà chức trách Xin-ga-po nâng mức cảnh báo về tình trạng dịch bệnh do nCoV gây ra lên mầu vàng. Bộ trưởng Y tế Xin-ga-po Gan Kim I-âng cho biết, mức cảnh báo có thể được nâng lên mầu cam nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng từ các nguồn không rõ ràng. Tính đến thời điểm này, Xin-ga-po có 28 ca nhiễm bệnh, trong đó có một em bé sáu tháng tuổi.

* Trong khi đó, Ma-lai-xi-a ghi nhận ca nhiễm đầu tiên truyền từ người sang người. Ðó là một phụ nữ 40 tuổi có tiếp xúc trực tiếp với anh trai là người vừa về nhà ngày 23-1, sau chuyến làm việc tại Xin-ga-po và tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.

* Ngày 5-2, Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa khuyến cáo các công dân Ca-na-đa nếu không thật sự cần phải có mặt tại Trung Quốc thì nên rời khỏi đây khi còn có thể. Ca-na-đa dự định hồi hương 200 công dân từ Trung Quốc vào ngày 5-2, tuy nhiên phải hoãn vì thời tiết xấu. Hiện 565 người Ca-na-đa có mặt tại tỉnh Hồ Bắc, nơi nhiều thành phố, trong đó có Vũ Hán, bị phong tỏa.

* Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Thái-lan đã thành lập Trung tâm chống tin giả để phối hợp cảnh sát phát hiện, truy tìm và bắt giữ các đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác về dịch bệnh do nCoV. Với 25 bệnh nhân, trong đó chín người đã khỏi bệnh và xuất viện, 16 bệnh nhân vẫn đang nằm viện, Thái-lan là nước ghi nhận số người nhiễm nCoV nhiều nhất ngoài Trung Quốc.

* Theo Tân Hoa xã, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) đã ra tuyên bố chỉ trích hành vi phát tán tin đồn về dịch bệnh gây hoang mang dư luận. Ðồng thời bác thông tin cho rằng Hồng Công sẽ không đủ nguồn cung thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân.

* Ngày 6-2, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết, các biện pháp Bộ Ngoại giao đã triển khai để bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh dịch do nCoV diễn biến phức tạp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã chủ động yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc cung cấp thông tin và thường xuyên cập nhật diễn biến dịch, tình hình và nguyện vọng của công dân Việt Nam tại Trung Quốc, các biện pháp ứng phó của sở tại, công bố đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Bộ Ngoại giao đã ra thông báo lưu ý người dân không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà Trung Quốc và WHO khuyến cáo.

Trong những ngày qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đã giữ liên hệ chặt chẽ với hơn 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại Trung Quốc (không bao gồm những trường hợp không đăng ký công dân, sang Trung Quốc ngắn hạn, lao động… mà không thông báo với các cơ quan đại diện) để nắm tình hình, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn về thị thực lưu trú do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ðến nay, nhìn chung tình hình sức khỏe của các lưu học sinh và công dân Việt Nam tại Trung Quốc vẫn ổn định.

Ðối với trường hợp một công dân Việt Nam (hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh tại Ðồng Nai) có kết quả dương tính với vi-rút nCoV, Ðại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị quan tâm, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Hiện công dân nói trên đang được điều trị tích cực tại bệnh viện số 5 (tỉnh Giang Tây).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chuẩn bị sớm đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước trên cơ sở nguyện vọng của công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp sở tại".

* Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh tới các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, nhất là các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên và quyết tâm đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp để ứng phó, kiểm soát dịch. Ðồng thời, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN nhằm phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Ngày 30-1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Ðiều phối ASEAN đã gửi thư đến các nước ASEAN đề nghị thành lập nhóm công tác chung cấp bộ trưởng, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, điều phối hành động ứng phó với dịch bệnh.

Việt Nam tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch, trong trường hợp cần có điều chỉnh đối với các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thông báo, tham vấn với các nước và thực hiện dựa trên đồng thuận ASEAN, đảm bảo các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN diễn ra trong điều kiện an ninh, an toàn ở mức cao nhất".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43173202-van-dong-quyen-gop-phong-dich-benh-do-ncov.html