Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Những lễ hội lớn trong năm của các dân tộc ở Sìn Hồ thường được tổ chức vào đầu tháng giêng. Đây là dịp để người dân cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới.

Trong các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện, có lẽ lễ hội của người Mông và người Dao là được nhiều người biết đến nhất. Lễ hội của những dân tộc này trải qua cả trăm năm đến nay vẫn giữ được nét nguyên sơ đặc sắc. Văn hóa vùng cao Sìn Hồ đa dạng bởi trong mỗi dân tộc đều có sự phân nhánh, tạo nên những nét riêng xoay quanh giá trị cốt lõi của truyền thống chung. Như người Mông có Mông hoa và Mông đen; người Dao thì có Dao tiền, Dao làn tẻn…

Thượng đàn tràng - một phần quan trọng trong Lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh tư liệu

Thượng đàn tràng - một phần quan trọng trong Lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh tư liệu

Vào những ngày đầu xuân, cả cao nguyên Sìn Hồ huyền ảo trong sương trắng, hoa đào ngập tràn trong các lễ hội nhiều màu sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Vùng cao Sìn Hồ có khí hậu lạnh giá, là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Dao và người Mông. Các lễ hội tại đây có phần đặc biệt hơn, khi tín ngưỡng thờ thần của người dân vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, phần lễ thường là chủ đạo, được người dân chú trọng hơn phần hội.

Để bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa, đồng thời làm cầu nối đoàn kết các dân tộc vùng cao Sìn Hồ, có sự đóng góp không nhỏ từ những người cao tuổi, uy tín trong cộng đồng như các ông, bà: Tẩn Kim Phu, Mùa A Tủa, Tẩn San Chiêm… Lễ hội của người Dao ở Sìn Hồ có nhiều, nhưng đặc trưng nhất là Lễ cấp sắc, Lễ hội Bàn Vương. Còn người Mông có Lễ hội Gầu Tào… Đây là những lễ hội mang nhiều ý nghĩa tâm linh, trước hết là cúng ông bà tổ tiên, những người có công với bản làng, các vị thần bảo hộ, sau đó mới đến cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe...

Các dân tộc của huyện lưu giữ một kho tàng văn hóa phong phú với các tập tục sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian truyền thống, những câu truyện cổ tích, sử thi, những câu hát dân ca, dân vũ say đắm lòng người.

Để điệu xòe Thái mãi đắm say, lễ nghi người Dao luôn trang trọng, tinh tế và tiếng khèn, điệu múa của người Mông mãi không dứt trên vùng cao này, cần sự chung tay góp sức của chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện luôn nhận thức rõ giá trị sâu sắc mà văn hóa truyền thống để lại, xác định những nguyên nhân, yếu tố khách quan làm mai một, từ đó có giải pháp kịp thời bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng hiện đại và mang nhiều ý nghĩa, lợi ích thiết thực với đời sống tinh thần của cộng đồng.

Một trong những giải pháp được huyện triển khai thực hiện là thành lập các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Điều này góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho cộng đồng các dân tộc. Bà Lò Thị Lả, người dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Tôi tham gia đội văn nghệ của xã. Ngoài việc tập luyện phục vụ các lễ hội, tôi còn dành thời gian dạy cho lớp trẻ văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca và những điệu múa. Mục đích chính là bảo tồn cho thế hệ sau bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trưởng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sìn Hồ cho biết: Huyện luôn quan tâm giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung, văn hóa dân tộc Mông, Dao, Thái, Lự nói riêng. Sìn Hồ cũng đã khôi phục nhiều lễ hội, nghề truyền thống, bảo tồn chữ viết văn hóa dân gian, gắn với phát triển du lịch, để vừa giữ được bản sắc vừa góp phần xóa đói giảm nghèo.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91%C3%A1o-n%C3%A9t-v%C4%83n-h%C3%B3a-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng