'Văn mạch' trường viết văn Nguyễn Du mãi chảy

Là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo ngành viết văn, trường viết văn Nguyễn Du trước đây và khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) hiện nay được xem là 'ngôi nhà văn chương' với những người đam mê với 'cánh đồng chữ'. Trường viết văn Nguyễn Du vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (1979 – 2019) trong không khí hứng khởi của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tháng 11/1979, trường viết văn Nguyễn Du khai giảng khóa đầu tiên với hơn 40 học viên, khó khăn về nhiều mặt. Trải qua 40 năm, trường đã có nhiều sự thay đổi về cả tên gọi cũng như cách đào tạo, nhưng ngành viết văn đến nay đã có gần 400 học viên theo học, trong đó có 1 học viên đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 học viên đạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Như vậy có thể thấy, Trường Viết văn Nguyễn Du là nơi đã nâng bước, chắp cánh cho nhiều cây bút bay cao và vươn xa trong nền văn học nước nhà. Trên thực tế, nhiều nhà văn, nhà thơ hàng đầu nước ta từng học dưới mái trường này, đó là những tên tuổi: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Bảo Ninh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Ðỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ngô Thị Kim Cúc, Tạ Duy Anh, Trần Nhương, Nguyễn Bình Phương...

Các thế hệ nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu từng lãnh đạo, giảng dạy ở trường viết văn Nguyễn Du

Các thế hệ nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu từng lãnh đạo, giảng dạy ở trường viết văn Nguyễn Du

Cùng với sự thay đổi và đòi hỏi từ thực tiễn, hiện nay khoa Viết văn – Báo chí đang đào tạo song song hai chuyên ngành viết văn và viết báo. Trong đó, chuyên ngành viết văn tuyển sinh 2 năm/lần, thi năng khiếu là sáng tác văn học (truyện ngắn, thơ, tản văn...), không thi đại trà theo xét tuyển học bạ hoặc các môn học của các thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia. Những năm gần đây, chuyên ngành viết văn với thương hiệu “Viết văn Nguyễn Du” cũng đã cho “ra lò” nhiều cây bút trẻ triển vọng, tài năng tạo được tiếng vang và thành công trên văn đàn, có thể kể đến Khúc Hồng Thiện, Lữ Mai, Đoàn Văn Mật, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Hữu Vi, Nguyễn Văn Học, Phạm Thanh Thúy, Phùng Thị Hương Ly...

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên các khóa viết văn gần đây đã, đang trở thành những phóng viên năng động, nhiệt huyết làm việc ở nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương. Có thể kể đến nhà báo Đinh Ngọc Hùng, Anh Thế, Yên Khương, Trần Hoàng Hoàng, Lê Đại, Vũ Văn Đoàn, Giang Thùy Linh, Trần Đức Hiển, Nguyễn Văn Thiển, Hoàng Chiến Thắng, Nguyễn Thanh Thắng... Những lứa sinh viên ra trường và có được công việc ổn định kể trên đã tiếp tục khẳng định thành tựu, kết quả nổi bật của trường viết văn Nguyễn Du trước đây và khoa Viết văn - Báo chí hiện nay trong quá trình đào tạo sáng tác văn chương, báo chí so với nhiều trường xã hội nhân văn – báo chí khác ở nước ta.

Có thể nói, trường viết văn Nguyễn Du đã đặt nền móng cho sự vươn lên và là thương hiệu hút các thế hệ đến với khoa Viết văn – Báo chí hiện nay. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, trường là cơ sở đào tạo hút được các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn đến giảng dạy và truyền nghề viết cho các học viên và sinh viên. Những khóa đầu tiên, trường từng đón các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng; các học giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện, Từ Chi, Đặng Thai Mai, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú... tới giảng dạy. Các khóa sau, khoa cũng đã mời đến đây những người am hiểu về văn học nghệ thuật để tiếp nguồn tri thức và gieo niềm đam mê, sáng tạo tới những sinh viên trẻ. Đó là những tên tuổi: Phạm Việt Long, Nguyễn Trọng Tạo (đã mất), Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Trương Đăng Dung, Sương Nguyệt Minh, Lê Minh Khuê, Phạm Xuân Nguyên... Nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương, học viên khóa 4 của Trường Viết văn Nguyễn Du, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội “được học ở ngôi trường đặc biệt này là may mắn”.

Trong lần trở về dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du, nhà văn Nguyễn Bình Phương bộc bạch: “Chúng tôi ra trường mang theo bảo bối và sự tự tin. Tôi cảm ơn các thầy đã giúp chúng tôi tỉnh ngộ. Tôi nghĩ công lao của các thầy rất lớn. Các thầy đối với cá nhân tôi không chỉ dừng lại là những người thầy mà là những bậc thầy bởi họ quá giỏi ở các đầu ngành, họ dạy học không phải kiểu đọc chép mà là cách dạy truyền thụ giống như trong truyện thần tiên kiếm hiệp, các bậc đại sư truyền kiếm pháp và phép thuật cho môn sinh của mình”.

Nhà văn này chia sẻ thêm, Trường Viết văn Nguyễn Du dạy cho người viết trở thành người viết chuyên nghiệp. Người viết chuyên nghiệp sẽ đứng đúng chỗ của mình, vượt qua mọi thứ, kể cả lề trái, lề phải. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, dù ở đâu, làm bất cứ nghề gì thì những thế hệ học viên như ông cũng biết ơn và kính trọng những bậc thầy của trường viết văn Nguyễn Du.

“Không có chúng tôi, họ vẫn có những môn sinh khác ngoạn mục hơn, giỏi hơn, nhưng không có các thầy thì không có chúng tôi như bây giờ” – nhà văn Nguyễn Bình Phương xúc động cho biết. Trở về “mái nhà xưa”, nhà văn Nguyên Ngọc vui mừng vì hiện nay trường đã có cả đào tạo báo chí, ông mong muốn đây sẽ là nơi góp phần cho nước nhà có thêm nhiều nhà báo giỏi và trung thực để có nền báo chí... trung thực.

“Từ nơi đây, nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành, đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống văn chương, báo chí của đất nước, góp phần lan tỏa giá trị tri thức và phong cách trường viết văn Nguyễn Du, khoa Viết văn - Báo chí. Với tinh thần ấy, dẫu thời gian có nhiều thăng trầm, thay đổi thì dường như nơi đây có một “Văn mạch Nguyễn Du” vẫn chảy, hòa cùng văn hóa, văn chương của dân tộc và thời đại” – TS. Đỗ Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Viết văn – Báo chí nhấn mạnh.

Khôi Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/van-mach-truong-viet-van-nguyen-du-mai-chay-94931.html