Vấn nạn cát tặc: Một dòng sông hai chính sách

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là hút cát trộm trên sông Hồng, khu vực thuộc địa phận thị xã Sơn Tây vẫn luôn nhức nhối trong nhiều năm qua.

Ngày 25/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Một trong những ý kiến được nhiều cử tri quan tâm nhất là nạn khai thác cát trái phép (còn gọi là cát tặc).

Lực lượng chức năng xử lý tàu hút cát trái phép tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trần Hoàng

Lực lượng chức năng xử lý tàu hút cát trái phép tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trần Hoàng

Đừng để người dân hiểu lầm là bảo kê

Cử tri Lê Văn Luật – phường Xuân Khanh cho biết, đối với nạn khai thác cát trái phép, trước đây, cơ quan chức năng giải quyết tương đối tốt. Tuy nhiên hiện nay còn chồng chéo trong cách giải quyết. Cát tặc xuất hiện ở địa phận TP Hà Nội bị người dân và cơ quan chức năng phát hiện, truy đuổi liền chạy trốn sang bên kia bờ sông thuộc địa phận tỉnh khác thì không bị xử lý. Do vậy, cần có chế tài mạnh hơn để xử lý vấn nạn này. Đặc biệt, cần có cơ chế phối hợp giữa các địa phương thuộc các tỉnh, thành hai bên bờ sông Hồng để cùng chống nạn khai thác cát trái phép. “Chúng ta phải có chế tài làm sao dù cát tặc chạy đến địa phương nào cũng phải giải quyết. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra sẽ không tránh khỏi người dân cho rằng như thế là bảo kê” – ông Luật nói.

Ý kiến của cử tri Lê Văn Luật đã gần như khái quát được hết tình trạng khai thác cát trái phép và những khó khăn trong công tác xử lý vấn nạn này ở nhiều địa phương tại TP Hà Nội nói chung. Đặc biệt trên sông Hồng nơi giáp ranh của tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội, trong nhiều năm qua luôn trở thành điểm nóng về cát tặc. Theo báo cáo của Hạt Quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ, hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép khu vực lòng sông Hồng ở khu vực này diễn biến phức tạp, đe dọa đến ổn định bờ bãi sông, an toàn của công trình đê điều cũng như tính mạng, tài sản Nhân dân sinh sống ven sông.

“Dưới những dòng sông là cả một thế giới ngầm...”

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Ngọ Duy Hiểu – Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ với những ý kiến của các cử tri thị xã Sơn Tây. “Thời còn là Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, tôi đã nhiều lần trực tiếp ra tận sông Hồng để “chiến đấu” với cát tặc. Tôi tham gia nhiều đến mức, mỗi khi có cát tặc, đồng chí lãnh đạo Công an huyện Phúc Thọ lập tức gọi điện cho tôi” – ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ và nhận định “phía dưới những dòng sông là cả một thế giới ngầm”.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, một trong những vướng mắc khiến cuộc chiến chống nạn cát tặc tại nhiều địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn chính là sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh, TP nằm ở hai bên bờ sông, đó là vấn đề “một dòng sông hai chính sách”. “Ví dụ như Hà Nội không cho khai thác cát ngầm nhưng bên Vĩnh Phúc lại cho khai thác. Thế nên khi bên Hà Nội đuổi thì cát tặc lại chạy sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc” - ông Hiểu nói và cho rằng, xử lý cát tặc cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng cấp cao mà cụ thể là Bộ Công an, bởi đây mới là đơn vị có đủ phương tiện tàu thuyền hiện đại, đủ sức trấn áp những đối tượng khai thác cát trái phép.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-nan-cat-tac-mot-dong-song-hai-chinh-sach-388150.html