Vẫn thấp thỏm lo nguồn gốc nông sản còn mập mờ

Trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về chất lượng, người sản xuất loay hoay với việc ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc… rõ ràng hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, một đại biểu đặt câu hỏi: “Khi một hộ nuôi yến tham gia truy xuất nguồn gốc và một không tham gia, vậy giá bán sản phẩm tổ yến có khác nhau? Hiện nay, hiện tượng yến nhập lậu rất phổ biến, đề nghị Cục Chăn nuôi trả lời về vấn đề này?

Từ câu chuyện của sản phẩm yến sào

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hoan, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết: Đối với sản phẩm yến sào, hiện nay giá bán được quyết định bởi hai yếu tố, thứ nhất là chất lượng sản phẩm, thứ hai là lòng tin của người mua đối với người bán.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất.

Ông Hoan lấy dẫn chứng: “Tôi có thể chi ra 3 triệu/kg yến sào đối với sản phẩm mà người ta thu hái ở nhà yến rồi sơ chế cho tôi mang về dùng. Còn nếu ở ngoài thị trường bán 2 triệu/kg, nếu tôi không biết sản phẩm lấy từ đâu thì tôi không thể mua được loại yến giá rẻ đó. Như vậy, việc truy xuất hay không truy xuất nguồn gốc sản phẩm như đại biểu tham gia diễn đàn hỏi, không tạo nên giá bán của sản phẩm”.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết thêm, đôi khi việc truy xuất là bắt buộc theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay cán bộ cấp xã vẫn phải đi đếm, tự thống kê nhà yến và thu thập tài liệu để báo cáo về Bộ. Nhà nước muốn khuyến khích, mở hệ thống cơ sở dữ liệu để cho nhà chăn nuôi tự nguyện đăng ký khai báo, nhưng vẫn phải bắt buộc bằng biện pháp hành chính, thì các cơ sở mới đăng ký.

Liên quan đến vấn đề nhập lậu sản phẩm yến sào, ông Hoan cho hay, những năm qua sản phẩm yến của nước bạn chuyển về thị trường Việt Nam tiêu thụ nội địa. "Số liệu nhập khẩu thì chúng tôi cũng không ước được bao nhiêu nhưng qua quan hệ và thông tin, chúng tôi nhận thấy người nhập khẩu tổ yến từ các nước về còn nhiều yến hơn là những đầu mối thu mua ở trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá một cách công bằng là vẫn là yến thô người ta nhập về chứ không phải người ta nhập sợi mì, sợi miến về đâu".

Trong khi đó, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, chia sẻ hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn cùng cơ quan chức năng phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Đến thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Thêm vào đó, việc truy xuất nguồn gốc cũng góp phần nâng cao giá trị của nông sản. Bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), dẫn chứng mỗi năm huyện Mộc Châu và Vân Hồ sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ cho năng suất cao hơn 110%. Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết thêm, qua nghiên cứu khách hàng cho thấy, đa số người tiêu dùng nghĩ rằng bao bì, chứng nhận và nhãn mác trên bao bì là yếu tố rất quan trọng. Đồng thời, mã QR được coi là rất hữu ích cho các sản phẩm được tiêu thụ tươi trực tiếp như cà chua, dưa chuột, trái cây có vỏ mỏng. Quét mã QR, người tiêu dùng muốn nhận được những thông tin về vùng sản xuất, nhà đóng gói, trọng lượng gói sản phẩm, hạn sử dụng, chứng nhận…

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.

"Ví dụ, với một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mà tôi mới vận động thành lập, họ ứng dụng các công nghệ số, công nghệ truy xuất nguồn gốc rất nhanh. Và vườn sầu riêng của HTX ấy là một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng", Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ.

Từ đó, bà Thực cho rằng để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng cho nó phải linh hoạt, không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì cũng phải tiếp cận được. Muốn thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan Nhà nước cần hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân.

“Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu.

Bên cạnh đó, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. Hiện nay, Việt Nam có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/van-thap-thom-lo-nguon-goc-nong-san-con-map-mo-1091050.html