Vào cuộc mạnh mẽ để tạo chuyển biến tích cực

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhLần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri nhận được sự quan tâm đặc biệt của ĐBQH và các đại biểu HĐND. Cùng với tổ chức thảo luận về kết quả giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND như Quốc hội, đông đảo cử tri, nhân dân mong muốn cơ quan dân cử địa phương phát huy hình thức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng về nội dung cử tri phản ánh như một cách làm thiết thực, vào cuộc mạnh mẽ hơn để tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

Mấu chốt là giải quyết đến đâu

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại Kỳ họp thứ Năm cho thấy về cơ bản các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giải quyết và trả lời được 2.466/2.469 kiến nghị, chỉ còn lại 3 kiến nghị chưa được giải quyết và trả lời. Đây là một con số đẹp và khá vẹn tròn, minh chứng cho trách nhiệm, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương trong giải quyết các vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Cử tri thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh kiến nghị tại cuộc tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Đặng Nam

Cử tri thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh kiến nghị tại cuộc tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Đặng Nam

Tuy nhiên, có tới trên 80% vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị là đề nghị giải trình, cung cấp thông tin, các vấn đề còn lại mới liên quan tới tiến độ, gắn trách nhiệm giải quyết. Có một thực tế là giải trình, cung cấp thông tin rồi thì nội dung trả lời đã được chuyển tải kịp thời tới cử tri, nhân dân kiến nghị hay chưa. Như ý kiến của ĐBQH Trịnh Xuân An là việc giải trình, cung cấp thông tin có thực sự giải quyết được vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm hay không, tránh việc người dân tiếp tục hỏi và cơ quan chức năng lại tiếp tục cung cấp thông tin.

Trong thực tế, các vấn đề cử tri kiến nghị sau TXCT được tổng hợp chuyển tải tới Đoàn ĐBQH, có những nội dung thuộc thẩm quyền địa phương thì được lãnh đạo địa phương tiếp thu và giải trình trực tiếp tại điểm TXCT. Tuy nhiên, do số lượng ĐBQH phân bổ cho mỗi Đoàn không nhiều, nên có thể hiểu việc cung cấp thông tin và giải trình trả lời cho cử tri phản ánh vấn đề đã được tiếp thu, trả lời nhưng không đến nơi đến chốn được là điều có khả năng xảy ra. Bởi thực tế, đại biểu khó TXCT tại một điểm trước và sau liên tục nên việc trả lời chỉ được cung cấp thông tin và chuyển tải qua hệ thống các cơ quan của địa phương bằng văn bản là chủ yếu. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc chuyển tải thông tin khá thuận lợi, nhất là tới các vùng đô thị, đồng bằng. Tuy nhiên, việc chuyển tải tới miền núi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là những vùng cử tri có đời sống còn khó khăn, việc tiếp cận với các thiết bị thông minh còn hạn chế.

Suy cho cùng, mấu chốt chính là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị đến đâu, có thấu đáo hay không hay là chỉ dừng lại ở việc trả lời và cung cấp thông tin, còn đến đâu thì chưa xác định được cụ thể. Như ý kiến của ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành còn chung chung, mang tính viện dẫn "điều luật này điều luật kia", mà chưa hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, có những nội dung trả lời chưa rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết. Do đó, để việc giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri thực sự hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của cử tri, thiết nghĩ, đại biểu cần tỉ mỉ, chu đáo hơn trong việc ghi nhớ danh tính, địa chỉ của cử tri, nhất là đối với những kiến nghị mang tầm vĩ mô, vấn đề “nóng”, kiến nghị nhiều lần để đeo bám đến cùng kết quả giải quyết.

Về cung cấp thông tin sau khi tiếp thu, giải quyết, ngoài gửi văn bản, TXCT sau kỳ họp, nên chăng Đoàn ĐBQH cần tăng cường hơn nữa liên kết với Thường trực HĐND, UBMTTQ các cấp để sao gửi các nội dung từng địa phương hỏi và chuyển tải để HĐND, Ủy ban MTTQ nơi đây sao gửi tới cử tri. Đối với những vấn đề trả lời, giải quyết còn chung chung, chưa thỏa mãn, ĐBQH cần phải có kiến nghị cụ thể để Chính phủ, bộ ban ngành cung cấp thông tin và trả lời rõ ràng, thỏa đáng. Nên chăng, Quốc hội cần định hướng theo cách trả lời câu hỏi đóng, mở, đi thẳng vấn đề. Nội dung nào giải quyết rồi thì trả lời là đã giải quyết, cụ thể a, b, c cần tránh viện dẫn kiểu do cơ quan có thẩm quyền hoặc là theo quy định của pháp luật bởi cử tri và nhân dân cần những câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn, dễ hiểu.

Vào cuộc mạnh mẽ

Theo quy định, Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội. Còn ở địa phương, nhiệm vụ này là của Thường trực HĐND. Kỳ họp thứ Năm đánh dấu việc lần đầu tiên Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, thể hiện ngày càng rõ nét hơn trách nhiệm của Quốc hội với cử tri.

Đối với HĐND các cấp, có những địa phương, việc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa được quan tâm đúng mức, cá biệt có nơi chưa thực hiện. Tuy nhiên, cũng có những địa phương quyết liệt, chỉn chu trong vấn đề này. Ngày 24.5 vừa qua, Thường trực HĐND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về việc giải quyết các kiến nghị của cử tri qua hoạt động TXCT của đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo báo cáo từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo thực hiện giải quyết cơ bản xong 693/807 ý kiến, đạt tỷ lệ 85,8%. Mặc dù là phiên giải trình do Thường trực HĐND đứng ra tổ chức nhưng quy mô mở rộng toàn thể HĐND và có tới hàng chục lượt câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND yêu cầu UBND huyện, UBND phường, xã, các ngành làm rõ hơn trách nhiệm trong xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thiết nghĩ, cùng với việc tổ chức thảo luận về kết quả giám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND như Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã thực hiện, để nâng cao trọng trách trước những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, cơ quan dân cử ở địa phương cần phát huy hình thức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng về nội dung cử tri phản ánh như HĐND huyện Hoài Đức đã làm là một cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/vao-cuoc-manh-me-de-tao-chuyen-bien-tich-cuc-i330592/