Varanasi: Vùng đất của những linh hồn

Hồi còn nhỏ, mẹ tôi bảo rằng tên tôi cũng là tên của một dòng sông - sông Hằng. Từ đó tôi cứ mãi nhớ cái tên sông Hằng ở Ấn Độ và ước ao được một lần ngắm nhìn dòng sông ấy.

Chắc có lẽ đã hơn mười năm, tôi vẫn giữ nguyện vọng này và cái hình ảnh mơ hồ về dòng sông Hằng mênh mông cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí. Để có thể chạm đến dòng nước của mẹ sông Hằng linh thiêng, tôi phải đến Varanasi, một thành phố lâu đời nằm ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, còn được gọi là cái nôi của Phật giáo và Hindu giáo.

Đây cũng là nơi Đức Phật Thích Ca thuyết bài Pháp đầu tiên sau khi thành đạo. Nhà văn Mark Twain cũng từng nói “Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”.

Những người đến tắm trên dòng sông Hằng với niềm tin được ban sức khỏe và rửa tội.

Những người đến tắm trên dòng sông Hằng với niềm tin được ban sức khỏe và rửa tội.

Cứ đi là tới

Những chuyến tàu đêm một mình lang thang trên khắp Ấn Độ đã luôn ghi sâu vào tâm trí tôi, từng tiếng người ta thở, từng mùi những đợt gió mang đến, tôi thấy cuộc sống bình yên biết bao nhiêu khi con người bớt đòi hỏi vật chất, đôi khi chỉ một giấc ngon là đủ lắm rồi.

Những chuyến tàu đêm cho tôi thấy con đường dù ngắn dù dài, cứ đi là tới, dù nhanh dù chậm. Chuyến tàu cuối cùng khép lại cuộc hành trình của tôi sau ba năm sinh sống và làm việc ở Ấn Độ, cũng là chuyến tàu sớm nhất của một ngày mới đã đưa tôi đến một vùng đất linh thiêng mà tôi luôn khát khao được một lần đến trong đời, Varanasi.

Đôi vợ chồng thả nến cầu nguyện sau khi lễ hỏa táng của người thân vừa xong.

Đôi vợ chồng thả nến cầu nguyện sau khi lễ hỏa táng của người thân vừa xong.

Tôi chợp mắt trên cái ba lô bên cạnh như một đứa trẻ, tôi còn nhớ tôi đã ngủ một giấc ngủ thật sâu như đang lênh đênh trên biển. Tàu chạy xình xịch trên đường ray mà cứ như nhấp nhô trên biển. Những người phụ nữ Di-gan với mấy bộ sari sặc sỡ cười nói huyên thuyên đánh thức tôi dậy, khi tôi mở mắt thì trời đã hừng sáng, vệt sáng hồng phía sau trụ điện cao phía xa xa khiến tôi không thể rời mắt, nắng lên ấm dần, tiếng còi tàu báo hiệu trạm cuối sắp đến.

Người đàn ông ngồi dối diện nhướng mắt nhìn tôi và cố gắng nói cho tôi hiểu bằng tiếng Ấn là tôi phải chuẩn bị xuống tàu. Dường như cái chen lấn xô đẩy nhau đã trở thành một điều đặc biệt của Ấn Độ. Sau năm phút bị người chen vô đẩy tay, người chen ra đạp chân thì tôi cũng được thở một cái phào nhẹ nhõm. Tôi vội bắt auto (phương tiện đi lại phổ biến ở Ấn Độ) đi về nhà nghỉ đã đặt trước.

Tôi còn nhớ như in là trên đường đi tìm nhà nghỉ, tôi nhìn bốn người đàn ông vác trên vai một xác người đã liệm, theo đó là những người rắc giấy vàng mã và cả tiếng man-tra (những câu thần chú) vang vộng khắp con hẻm. Một chút sợ hãi, một hút ảo huyền, một chút tâm linh, và một chút háo hức, hành trình khám phá Varanasi của tôi bắt đầu.

Lạc bước chốn linh thiêng

Tôi lang thang với chiếc máy ảnh nhỏ qua các con hẻm nhỏ, những con bò cũng lang thang khắp mọi nơi như một điều không thể thiếu ở Ấn Độ và phân bò nặng mùi rải rác dọc đường. Như mọi chuyến đi khác, ngày đầu tiên tôi thường không có kế hoạch, tôi để mình đi lạc để gặp gỡ những điều thú vị.

Nếu đã đến Bà La Nại (tên phiên âm của Varanasi), người ta nhất định phải một lần đi qua những ghats (bậc thềm) dọc bờ sông Hằng linh thiêng. Tôi đi lạc vào những con hẻm nhỏ giữa hai vách nhà phủ đầy rêu rồi qua những ngôi nhà đầy mùi hương trầm, tiếng tụng kinh, tiếng chó sủa, tiếng những đứa trẻ hàng xóm chơi với nhau, tôi thấy một Bà La Nại thật huyền bí.Đi một hồi sau thì lại nghe văng vẳng từ phía trước tiếng những người đàn ông hô lên cùng âm điệu “Ram Naam Satya Hai”, những tiếng tụng kinh khi làm lễ hỏa táng, hướng về phía tôi lấp ló lại là xác người chết được bốn người đàn ông vác lên vai để làm nghi lễ thiêu trên bờ sông Hằng.

Tác giả bài viết, người luôn khát khao được một lần đến Varanasi.

Tác giả bài viết, người luôn khát khao được một lần đến Varanasi.

Tôi càng bắt đầu sợ khi cái xác người đi ngang tôi cách nhau chưa đầy một sải tay, tôi vội bước lên bậc thềm để nhường chỗ cho nghi lễ nhưng đã vô tình nhìn thấy gương mặt để lộ ra phía dưới tấm vải mỏng màu vàng. Đó là lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt một người đã khuất. Cùng một tiếng tụng, cùng một màu vàng cam, vàng mã bay khắp nơi, cứ đi vài ba mét lại một xác chết được vác đi ngang, tôi vừa sợ hãi nhưng đâu đó tôi cảm thấy sự thanh thản của sự ra đi.

Một Baba - người tu khổ hạnh ở Varanasi.

Một Baba - người tu khổ hạnh ở Varanasi.

Đi lần theo sau họ, tôi lạc ra chợ bán gỗ và đằng xa là khói đen ngây ngút từng khoảng trời, những nhóm lửa vàng lớn nhỏ, trời thì lạnh còn tôi thì bắt đầu cảm nhận được cái nóng của dầu và lửa, một cảnh tượng làm người ta sởn da gà và như bước vào một thế giới khác.

Trời bắt đầu sập tối, tôi không chắc muốn quay đầu về nhà nghỉ, thế là tôi vẫn quyết định đi lại gần hơn, phía sau bước chân tôi có vài gã Tây cũng nhấc từng bước chân thật nặng nề vì chính họ cũng đang chứng kiến một khung cảnh mà chưa bao giờ nghĩ là có thật.

Chúng tôi cứ đi năm bảy bước là dừng lại để suy nghĩ xem có nên bước tiếp không. Cuối cùng thì ba chàng trai Tây chào tôi và quay về. Tôi dừng lại, nhìn thật kỹ, kiềm chế nỗi sợ và chỉ muốn biết về những điều đang diễn ra trước mắt.

Khi người chết về với Chúa trời

Tôi đứng một hồi lâu quan sát thì có một cậu thanh niên người Ấn đến chào hỏi bằng tiếng Anh và bắt chuyện với tôi. Cậu ấy muốn dẫn tôi đến xem cảnh người ta hỏa táng và bắt đầu kể tuần tự từng bước của một quy trình liệm và thiêu người chết. Tôi bắt đầu cảm thấy nên quay đầu về nhưng vẫn muốn nghe để mở mang sự hiểu biết của mình, tôi tự an ủi rằng cơ hội chỉ đến một lần. Cậu thanh niên nài nỉ tôi đến gần những dàn thiêu vì người ta tin rằng càng đến gần thì chúng ta sẽ có nhiều năng lượng.

“Dàn thiêu phía dưới nằm một mình là dành cho tầng lớp cao trong xã hội, còn những chỗ lửa cháy nhỏ trên kia là của những người nghèo”, cậu thanh niên tên là Kabeer nói. Kabeer làm nghề thiêu xác người đã mấy năm nay. Tôi chỉ biết lắc đầu (ở Ấn Độ, lắc đầu là đồng ý) tỏ ra là hiểu. Cậu nói tiếp, “Phụ nữ mang thai, trẻ em, và những người bị rắn hổ mang cắn chết sẽ không được thiêu mà chỉ được gia đình cột lên một chiếc bè và thả trôi trên dông sông Hằng.

Trước khi thiêu, có rất nhiều nghi lễ phải được tuân theo như là người trưởng nam trong gia đinh phải đi ba vòng với một lọ nước và ngọn đuốc đặt sau lưng xung quanh người đã khuất và sau khi thiêu là tất cả người thân cận phải tắm dưới dòng sông Hằng và những người nam trong nhà phải cạo đầu, chỉ để lại một đuôi tóc nhỏ trên đỉnh đầu”.

Bãi hỏa thiêu Manikarnika vào buổi sáng

Bãi hỏa thiêu Manikarnika vào buổi sáng

Hai chúng bắt đầu tiến đến những dàn hỏa thiêu trước mặt, lửa cháy thật đáng sợ, khói mịt mù trên không trung còn rác thải thì đầy trên mặt đất. Lúc đấy, chưa bao giờ tôi thấy mình gan dạ đến thế, xác người đang được lửa làm tan rã trước mặt tôi, nhiều suy nghĩ và cảm xúc khác nhau cứ dồn đến. Gần 7 giờ tối, một cô gái bé nhỏ đứng trước một cảnh tượng như địa ngục trên trần gian. Theo như lời Kabeer thì bãi hỏa thiêu Manikarnika, bãi hỏa thiêu lớn nhất Varanasi, không bao giờ ngừng làm việc. Một ngày người ta thiêu trung bình 200 xác người, lửa cháy cả ngày và đêm. Điều đặc biệt ở đây là không một tiếng người khóc. Kabeer nói tôi không được khóc và buồn mà phải vui, vui vì người chết đã về với Chúa trời.

Nhìn thấy những cân gỗ hàng trăm ký phía trên, tôi thật sự sửng sốt, lúc này tự nhiên Kabeer mở mắt to và nhẹ giọng lại như đang dọa tôi, “Chỉ có những người giàu mới có tiền mua gỗ, gỗ rất đắt, người nghèo hầu như không đủ tiền để mua những gỗ to, có người không đủ tiền mua củi nên thiêu tới đâu hay tới đó hoặc phải đi vay mượn”. Khói mịt mù và lửa nóng như đốt, tôi ngắt lời Kabeer và bảo cậu đi khỏi khu hỏa táng.

Bãi hỏa thiêu Manikarnika vào ban đêm.

Bãi hỏa thiêu Manikarnika vào ban đêm.

Hướng về khu chợ bán gỗ, hai đứa tôi bước vội lên bậc thềm cao hơn để nhìn xuống toàn cảnh, lần này tôi thấy nỗi sợ mình tan biến, một thế giới khác mở ra khi tôi nhìn thấy ánh sáng của đèn điện, ba bốn người đàn bà mặc sari ngồi trên uống trà chai, thứ thức uống phổ biến ở Ấn Độ được làm từ trà, sữa bò, và các loại thảo mộc và nói chuyện đời.

Kabeer mời tôi uống chai nhưng tôi từ chối. Tôi lấy trong túi quần 100 rupi và cảm ơn Kabeer vì đã cho tôi một mớ kiến thức đáng giá. Tôi quay đầu nhìn lại thế giới của những linh hồn dưới bờ sông. Lửa vàng lửa đỏ vẫn cháy bập bùng, khói vẫn lên ngút ngàn, tôi thở một hơi thật dài, rồi quay đầu lại và đi về phía ánh sáng của thành thị. Tôi mệt rã người sau năm tiếng lạc đường và đâu đó vẫn còn cảm giác lửa cháy trong lòng ngực.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/varanasi-vung-dat-cua-nhung-linh-hon-130137.html