Vật vã vì sốt xuất huyết

Sức khỏe giảm sút nhanh hơn so với mắc Covid-19 là tình trạng của nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết thời gian gần đây. Tuy số ca mắc sốt sốt huyết ngày càng tăng, nhiều người trở nặng nhưng có không ít người dân vẫn lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh, đòi hỏi chính quyền ở một số địa phương quyết liệt vào cuộc.

Những ngày gần đây, số người bị mắc bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội liên tục tăng nhanh. Nhiều người khốn khổ vì bệnh trở nặng.

Khổ hơn cả mắc Covid-19

Anh Nguyễn Anh T (Thanh Xuân, Hà Nội) dương tính sốt xuất huyết Dengue, có dấu hiệu cảnh báo trở nặng nên phải điều trị ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Có thời điểm, tiểu cầu của anh hạ sâu, chảy máu mũi, chân răng, tràn dịch màng phổi, ổ bụng. Anh T thều thào cho biết: “mắc bệnh này còn khổ hơn cả khi mắc Covid-19".

Còn chị Nguyễn Thị L (Phú Xuyên, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết một tuần nay nhưng vì bệnh viện quá tải nên chị được bệnh viện cho điều trị theo hình thức bán trú. Chị L cho biết, chị chưa bị bệnh nào mà khốn khổ đến vậy, vì có thời điểm tiểu cầu hạ sâu. Đó là chưa kể tình trạng quá tải ở bệnh viện khiến chị cũng như nhiều người phải nằm ghép giường.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ tính từ ngày 4 đến 11/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong.

Diệt loăng quăng, bọ gậy sẽ giúp hạn chế lây lan dịch sốt xuất huyết.

Diệt loăng quăng, bọ gậy sẽ giúp hạn chế lây lan dịch sốt xuất huyết.

Hiện tại, nhiều bệnh viện của Hà Nội và tuyến Trung ương đang quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Như tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đang có khoảng 90-100 ca nội trú, 10-20 bệnh nhân mới nhập viện một ngày. Có những ngày, hơn một nửa số điều trị ở khoa Cấp cứu là bệnh nhân sốt xuất huyết.

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, khó lường, do dân cư di biến động lớn. Đi cùng với đó là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, ao tù... và thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn những đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Trả giá cao nếu dịch tiếp tục bùng phát

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trong những ngày gần đây là vì tại một số địa phương, các chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng vẫn mang tính hình thức và chưa được duy trì thường xuyên, bền vững.

Tại khu nhà trọ công nhân thuộc Khu Công nghiệp Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) có rất nhiều dãy nhà trọ diện tích dưới 20m2. Không gian sống chật hẹp và ẩm thấp dễ là nơi trú ngụ, phát triển của muỗi, đặc biệt là vào mùa mưa.

Vậy nhưng ý thức phòng chống dịch của công nhân còn chủ quan, thờ ơ. Nhiều hộ thuê trọ không giữ nhà cửa sạch sẽ, không úp các dụng cụ có chứa nước đọng, các đồ dùng, Nhiều nơi rác thải bừa bãi khiến nguy cơ đối mặt với bệnh sốt xuất huyết là không hề nhỏ.

Qua giám sát thực tế của ngành y tế tại các ổ dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Các địa bàn xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết, công tác vệ sinh môi trường còn rất hạn chế. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quyết liệt.

Ngay như tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nhiều khu nhà trọ còn chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường. Khi hỏi về bệnh sốt xuất huyết, nhiều người thuê trọ gần như không biết, đặc biệt là các biện pháp phòng tránh bệnh.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, một số quận, huyện vẫn còn nhiều ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm cộng thêm tâm lý chủ quan của người dân nên số lượng bệnh nhân mắc vẫn tăng lên.

Hà Nội hiện còn nhiều ổ dịch tồn tại lâu, nhất là ổ dịch ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất kéo dài vài tháng nay. Chính vì vậy, nếu lơ là, chủ quan trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết sẽ dẫn đến việc quá tải cho hệ thống y tế khi số ca mắc bệnh tăng cao.

Đặc biệt, thời điểm hiện nay không phải chỉ có dịch sốt xuất huyết mà dịch cúm, sởi, thủy đậu, Covid-19, Adenovirus, đậu mùa khỉ… đang tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Trong khi nhiều bệnh viện đang có những khó khăn về cơ sở vật chất. Nếu để xảy ra tình trạng quá tải sẽ khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đặc biệt, năm nay là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (chu kỳ 5 năm một lần) nên dịch dễ diễn biến phức tạp. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào tháng 11, 12.

Theo Sở Y tế, các ổ dịch ở Hà Nội hiện nay thường nằm ở các xã, phường có tốc độ đô thị hóa nhanh hay tại các khu quy hoạch chưa ổn định, các khu đất trống, bỏ hoang nhiều sẽ là nơi sinh sản và phát triển của muỗi.

Những khu vực này rất khó xử lý lăng quăng vì không có chủ đất, hoặc chính quyền địa phương cũng chưa có phương án thu gom vật phế thải. Do vậy, để ngăn ngừa sốt xuất huyết, các đơn vị, địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/vat-va-vi-sot-xuat-huyet-1089318.html