VCCI: Nhiều quy định rắc rối, thủ tục rườm rà trong dự thảo về thi và cấp thẻ thẩm định viên

VCCI cho rằng quy định không cấp lại thẻ thẩm định viên về giá khi bị mất thẻ, hồ sơ, đăng ký dự thi nhiều thủ tục trong dự thảo trên đang gây phiền hà, gánh nặng hành chính cho đối tượng được cấp thẻ...

Đầu năm 2024, Bộ Tài chính trao 161 thẻ thẩm định viên về giá, nâng tổng số thẩm định viên về giá được cấp thẻ lên 2.513 người.

Đầu năm 2024, Bộ Tài chính trao 161 thẻ thẩm định viên về giá, nâng tổng số thẩm định viên về giá được cấp thẻ lên 2.513 người.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

HỒ TRỰC TUYẾN VẪN PHẢI CÓ HỒ SƠ GIẤY ĐỂ ĐỐI CHIẾU

Liên quan đến kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá, Khoản 2 Điều 4 dự thảo quy định về hồ sơ đăng ký dự thi gồm: bản chụp/scan các tài liệu minh chứng đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 44 của Luật Giá.

VCCI cho rằng đây là văn bản quy định chi tiết nên quy định theo cách thức trên là chưa đủ rõ ràng, cụ thể về các loại tài liệu thí sinh phải cung cấp trong hồ sơ đăng ký dự thi. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, cơ quan này đề nghị ban soạn thảo quy định các tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 44 Luật Giá cụ thể là các tài liệu gì.

Về phương thức đăng ký dự thi, theo quy định tại Điều 4 dự thảo, trình tự đăng ký dự thi, thí sinh ban đầu sẽ đăng ký trên Cổng thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến, sau khi có kết quả đạt yêu cầu sẽ nộp hồ sơ giấy (các giấy tờ đã nộp trực tuyến) để Hội đồng thi rà soát hồ sơ và làm thủ tục trình cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

"Như vậy, trình tự thủ tục trên sẽ không thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, thí sinh vẫn phải nộp hồ sơ giấy để Hội đồng thi đối chiếu và xem xét. Điều này cần xem xét lại, bởi trong xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay, các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường điện tử hoàn toàn, người thực hiện thủ tục không cần phải nộp hồ sơ giấy để đối chiếu", VCCI nêu rõ.

Do đó, để đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, VCCI đề nghị ban soạn thảo thiết kế trình tự đăng ký dự thi theo hướng thực hiện trên môi trường điện tử hoàn toàn, tức là bỏ quy định tại khoản 3 Điều 4.

Về tổ chức kỳ thi, theo Khoản 3 Điều 5 Dự thảo, thời hạn thông báo điểm là 60 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, trong trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể kéo dài thêm không quá 30 ngày.

Thời hạn công bố điểm thi sẽ ảnh hưởng đến thời gian cấp thẻ thẩm định viên về giá và việc hành nghề của các thẩm định viên. Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định rút ngắn thời hạn công bố điểm thi, có thể là 30 - 45 ngày và quy định cụ thể hơn “trường hợp cần thiết” là những trường hợp nào để Chủ tịch Hội đồng thi sẽ quyết định kéo dài thời gian công bố kết quả thi.

LÝ DO KHÔNG CẤP LẠI THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ CHƯA THUYẾT PHỤC

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ thẩm định viên về giá, Khoản 1 Điều 22 dự thảo quy định “người dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá đạt điểm thi theo quy định tại Điều 13 Thông tư này có hồ sơ dự thi (bản giấy hợp lý hợp lệ) được Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định cấp thẻ thẩm định viên về giá”.

VCCI cho rằng quy định này là chưa đủ rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục cấp thẻ thẩm định viên về giá, thời gian bao lâu kể từ khi công bố kết quả thi thì người dự thi được cấp thẻ thẩm định viên về giá.

Về việc cấp lại thẻ thẩm định viên về giá, Điều 22 dự thảo quy định “thẻ thẩm định viên về giá không được cấp lại” (khoản 2). Trường hợp người được cấp thẻ thẩm định viên về giá bị mất, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tại, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác thì được cấp Giấy xác nhận đã cấp thẻ thẩm định viên về giá (khoản 3).

Quy định không cấp lại thẻ thẩm định viên về giá có thể gây khó khăn cho các thẩm định viên khi bị mất thẻ. Bởi trong các quy định của Luật Giá 2023 liên quan đến đăng ký hành nghề thẩm định giá, giấy tờ phải cung cấp là “thẻ thẩm định viên về giá” chứ không phải là “Giấy xác nhận đã cấp thẻ thẩm định viên về giá”.

Đại diện VCCI bày tỏ sự khó hiểu, không rõ mục tiêu của quy định không cấp lại thẻ thẩm định viên về giá.

"Việc cấp lại thẻ thẩm định viên về giá có tác động gì tới hoạt động quản lý nhà nước hay không? Trong hệ thống pháp luật, có những dạng chứng chỉ tương tự, ví dụ như thẻ hướng dẫn viên du lịch, khi bị mất vẫn được cấp lại", VCCI đặt vấn đề.

Do đó, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định cấp lại thẻ thẩm định viên về giá thay vì Giấy xác nhận đã cấp thẻ thẩm định viên về giá.

Còn về trường hợp thẻ thẩm định viên về giá bị mất, bị cháy, bị hủy hoại, Khoản 3 Điều 22 dự thảo quy định, trường hợp người được cấp thẻ thẩm định viên về giá nhưng bị mất, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác sẽ phải nộp hồ sơ để được cấp Giấy xác nhận đã cấp thẻ thẩm định viên về giá. Trong hồ sơ phải có “Giấy xác nhận của cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú của người có thẻ thẩm định viên về giá bị mất, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng”.

"Việc yêu cầu giấy xác nhận này sẽ gia tăng thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho người thực hiện thủ tục. Trên thực tế, cơ quan công an hay Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ khó có căn cứ để xác nhận việc thẻ thẩm định viên về giá bị cháy, bị hủy, bị mất ngoài lời khai của người đi xin xác nhận", VCCI nhấn mạnh.

Mặc khác, các thủ tục hành chính có tính chất tương tự (cấp lại giấy phép khi bị mất, hư hỏng) trong hệ thống pháp luật thường không yêu cầu phải có loại giấy xác nhận này.

Để đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, VCCI đề nghị ban soạn thảo bỏ “Giấy xác nhận của cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú của người có thẻ thẩm định viên về giá bị mất, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng” tại khoản 3 Điều 22 dự thảo.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 22 dự thảo quy định thời hạn để giải quyết cho trường hợp cấp lại do mất, hư hỏng, bị hủy hoại là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Đây là khoảng thời gian khá dài nếu so sánh với các thủ tục tương tự.

Hơn nữa, đây là thủ tục đơn giản, các thông tin dữ liệu cơ quan quản lý đã có, do đó không cần thiết phải kéo dài thời gian tới 15 ngày mới cấp lại. Do đó, cơ quan này đề nghị ban soạn thảo rút ngắn xuống còn 5 ngày làm việc, tương tự như thời gian giải quyết của nhiều thủ tục cấp lại giấy phép khác trong hệ thống pháp luật.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vcci-nhieu-quy-dinh-rac-roi-thu-tuc-ruom-ra-trong-du-thao-ve-thi-va-cap-the-tham-dinh-vien.htm