Về Cụm di tích Việt Nam Giải phóng quân

Ngày nay, không nhiều người dân địa phương biết đến việc trên địa bàn T.P Thái Nguyên có cả một cụm di tích gắn liền với sự kiện lịch sử cả nước sục sôi đứng lên giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là Cụm di tích Việt Nam Giải phóng quân gồm: Chùa Đán (phường Thịnh Đán), địa điểm Đình Hàng Phố và địa điểm Khu chủ sự Nhà Đèn (phường Trưng Vương).

Chùa Đán - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Tân Trào sang giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Chùa Đán - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Tân Trào sang giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Đến vãn cảnh Chùa Đán, chúng tôi được Trụ trì Thích Thanh Quảng kể cho nghe về câu chuyện của một trong những nơi từng là chứng nhân lịch sử trong cuộc cách mạng giành chính quyền năm 1945. Thầy Quảng kể: Trước Cách mạng Tháng Tám, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh lấy làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật. Ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Tân Trào sang giải phóng thị xã Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm đại bản doanh, tập kết quân, dân, chỉ huy tiến đánh quân Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã. Tại đây, ngày 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn và thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lỵ Thái Nguyên. Đến tối 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp, gồm những cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. 24 giờ cùng ngày, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chi đội Quân Giải phóng xuất phát từ chùa Đán tiến vào tỉnh lỵ Thái Nguyên, cùng quân dân trong tỉnh lỵ bao vây quân Nhật, giành chính quyền thắng lợi.

Đi dạo một vòng chúng tôi nhận thấy ngôi chùa đã được tôn tạo, tu bổ song vẫn giữ nguyên thiết kế theo bố cục kiểu chữ Đinh (丁) gồm 1 nếp nhà tiền đường và nhà hậu cung, phần vì kèo cột cái, cột quân đều được làm bằng gỗ. Ngoài các hạng mục trên, trong ngôi nhà sàn trước sân chùa đặt ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người dân, các phật tử đến sinh hoạt tâm linh tại chùa đều thắp hương tưởng nhớ người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngoài Chùa Đán, trên địa bàn T.P Thái Nguyên còn có 2 điểm di tích nằm trong Cụm di tích Việt Nam giải phóng quân là địa điểm Đình Hàng Phố và Khu chủ sự Nhà Đèn. Đình Hàng Phố được nhân dân xây dựng từ thời Vua Khải Định năm thứ 4 (1919). Đình được lập để thờ “bát vị” (8 vị tướng) đứng đầu là tướng Dương Tự Minh. Trải qua thời gian dài với những biến đổi về kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, Đình Hàng Phố hiện chỉ còn lại địa điểm được xác định là khu vực trước cổng cơ quan Tỉnh đoàn, trên đường Đội Cấn, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Năm 2004, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã dựng lại bia ghi dấu địa điểm Đình Hàng Phố.

Khu chủ sự Nhà Đèn, trước đây là một công trình kiến trúc do thực dân Pháp xây dựng, là nơi dùng máy nổ chủ yếu phục vụ cho quân Pháp đóng chiếm thị xã. Trong kháng chiến, công trình này cũng bị tiêu thổ, chỉ còn hình ảnh tư liệu là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp nói chuyện với 600 lính bảo an và là kho dùng cung cấp lương thực thực phẩm cho Việt Nam giải phóng quân. Địa điểm di tích là khu vực đối diện cơ quan Báo Thái Nguyên, hiện nằm sát Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Năm 2010, Cụm di tích Việt Nam Giải phóng quân đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Các điểm di tích này được bảo tồn, tôn tạo, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh giành độc lập và bảo vệ quê hương.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dat-va-nguoi-thai-nguyen/ve-cum-di-tich-viet-nam-giai-phong-quan-276144-40.html