Về với dân!

Yên Sơn là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, có diện tích rộng, nhiều đơn vị hành chính. Những năm qua, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Yên Sơn duy trì hiệu quả, nền nếp hoạt động về với cơ sở và người dân; qua đó kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh và tăng cường đoàn kết, gắn bó với dân.

Chúng tôi về Yên Sơn vào những ngày cuối năm 2023, khi tiết trời se lạnh, phảng phất không khí chớm Xuân. Đón chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh Thuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Sơn đặt vấn đề: "Về với cơ sở mà chỉ làm việc tại trụ sở Huyện ủy và nghe lãnh đạo huyện trò chuyện, chia sẻ thôi thì chưa đúng nghĩa và không thuyết phục. Do vậy, xin mời anh em di chuyển luôn về xã Hùng Lợi. Chúng ta sẽ làm việc trực tiếp với cán bộ và người dân ở thôn, bản. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy cũng sẽ về đây, kết hợp cùng làm việc một thể!".

Cách đặt vấn đề thẳng thắn ấy khiến chúng tôi không khỏi ấn tượng. Trên đường về xã Hùng Lợi, suốt hơn 50km cơ động từ trung tâm huyện Yên Sơn, anh Thuấn chia sẻ nhiều thông tin tâm huyết. Theo đó, toàn huyện Yên Sơn có tới 28 đơn vị hành chính với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 49%. Những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Sơn có bước phát triển khá, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2023 còn 15%, giảm hơn 5% so với năm 2022. Đến nay, huyện đã có 15/28 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và hiện có 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới... Thành quả đó có đóng góp rất lớn từ sự tâm huyết, trách nhiệm công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là hoạt động về với dân của các đồng chí cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp.

Tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã Hùng Lợi, đồng chí Đỗ Hùng Đức, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Sơn và các đồng chí lãnh đạo xã đã có mặt từ sớm, kết hợp thực hiện các nhiệm vụ thường nhật của địa phương. Thời điểm ấy, nhiều người dân đến trụ sở xã để nhận gà giống và thức ăn chăn nuôi theo chương trình hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Bà con gặp lãnh đạo huyện, vui vẻ chào hỏi: “Cán bộ lại về đấy à!”, “Khi xong việc, mời cán bộ ghé thăm nhà nhé”... Sau khi vui vẻ chào hỏi người dân, đồng chí Đỗ Hùng Đức quay sang đặt vấn đề: “Anh em ta nên làm việc ngắn thôi, sau đó dành thời gian về với đồng bào. Chúng tôi đã hẹn về với dân, không nên để bà con chờ!”.

Được biết, đã thành nếp, đều đặn hằng tháng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Sơn được phân công luân phiên, hoặc chủ động xác định kế hoạch cá nhân để về với cơ sở và người dân ít nhất 1-2 lần/tháng. Các xã xa trung tâm huyện và có đông đồng bào dân tộc thiểu số luôn được ưu tiên đến trước và đến nhiều lần. Cụm từ “về với dân” không chỉ là câu nói quen thuộc mà còn là phương châm hành động được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Yên Sơn thực hành nghiêm túc, tự giác, thực chất.

Lãnh đạo huyện Yên Sơn trao quà tặng đồng bào dân tộc Mông ở thôn Lè, xã Hùng Lợi.

Lãnh đạo huyện Yên Sơn trao quà tặng đồng bào dân tộc Mông ở thôn Lè, xã Hùng Lợi.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về việc phân công cấp ủy viên bám nắm, theo dõi các xã, định kỳ hằng tháng, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và Huyện ủy viên về sinh hoạt chi bộ tại các thôn. Qua những buổi sinh hoạt chi bộ giúp lãnh đạo huyện bám nắm sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Sau thời gian sinh hoạt chi bộ, các đồng chí tiếp tục dành thời gian đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đoàn kết, gắn bó với nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngoài nội dung về dự sinh hoạt chi bộ ở các thôn, lãnh đạo huyện Yên Sơn xây dựng kế hoạch đi cơ sở cụ thể, chi tiết đến từng tuần, tháng đối với từng cán bộ. Vào các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống, ngày hội, hoặc khi diễn ra các sự kiện mang tính chất cộng đồng, Huyện ủy đều phân công một đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về dự, động viên, chung vui với đồng bào.

Tại xã Hùng Lợi, chúng tôi được “thực mục sở thị” thành quả sau những chuyến về với dân của lãnh đạo huyện Yên Sơn, đó là tình cảm ấm áp, chân thành mà đồng bào dành cho cán bộ. Đón nhận món quà là bộ quần áo thể thao từ đồng chí cán bộ huyện trao tặng, anh Đào Văn Chanh, 37 tuổi, người dân tộc Mông ở thôn Lè, xã Hùng Lợi, nắm chặt tay, xúc động nói lời cảm ơn, rồi vui vẻ khoe: “Vừa qua, gia đình tôi được hỗ trợ 50 con gà và thức ăn chăn nuôi, được cán bộ xã, huyện hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi nên phát triển tốt lắm. Cứ đà này, gia đình sẽ có gà thịt để kịp đón Tết!”.

Cũng theo anh Chanh, sau lần về với dân năm 2022, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn có một sân chơi thể thao của bà con thôn Lè, cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện về mặt bằng và hỗ trợ để bà con làm sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo. Có sân chơi, đến cuối chiều hằng ngày, các thanh niên người Mông ở thôn Lè và thanh niên người Tày, Dao, Nùng ở các thôn lân cận lại rủ nhau giao lưu bóng đá; bà con thì đến xem, cổ vũ đông vui như đi hội.

Bằng nhiều hình thức phù hợp, việc đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua tăng cường đi cơ sở, về với dân của đội ngũ cán bộ huyện Yên Sơn đã mang lại hiệu quả thực chất. Mỗi lần cán bộ về với dân đã giúp đồng bào thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phấn khởi, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và đề cao trách nhiệm vì cộng đồng. Cũng qua đó mà tình làng, nghĩa xóm càng thắm thiết, sự đoàn kết giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn không ngừng được củng cố, tăng cường.

Bài và ảnh: MẠNH KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ve-voi-dan-758291