Vẹn tròn những mái ấm tri ân
Với đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng và các gia đình chính sách trên phạm vi toàn quốc.
Không chỉ là một chính sách nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, hợp ý Đảng, lòng dân, những mái ấm kiên cố, khang trang được xây dựng và hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ chính là lời tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Có, người có công với cách mạng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Bình Mỹ, An Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thần tốc hoàn thành bằng trách nhiệm và tình thương
Tại Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành dứt điểm việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây được xem là mốc thời gian thiêng liêng để toàn dân cùng hướng về ngày kỷ niệm ý nghĩa này bằng những hành động thiết thực, cụ thể và nhân văn.
Ngay từ sau Phiên họp thứ năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao để quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025, trong đó ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần tích cực, chủ động của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cùng các bộ, cơ quan, địa phương, lực lượng vũ trang đã bám sát tình hình, kịp thời đề xuất các phương án, triển khai quyết liệt, hiệu quả rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã chủ động tham gia và cam kết đi đôi với hành động, thể hiện trách nhiệm cao cả và tính nhân văn sâu sắc của dân tộc ta với tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình ông Nguyễn Văn Luận, xã Minh Thanh, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN phát
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhân dân và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ này, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025; trong đó hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 24/7/2025 nhằm thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, phát động mạnh mẽ phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trên tinh thần "ai có gì giúp nấy; ai có công giúp công; ai có của giúp của; ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít"; mỗi căn nhà là "một món quà, một mái ấm, một tình thương", thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" tốt đẹp của dân tộc ta.
Không chỉ là nỗ lực của chính quyền, chương trình còn huy động sâu rộng sức mạnh toàn dân. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được huy động từ các nguồn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa. Hàng triệu ngày công lao động của Quân đội, Công an, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đã được đóng góp cho công trình đầy ý nghĩa này. Từ vùng sâu vùng xa, miền núi cho đến đồng bằng, đâu đâu cũng thấy bóng dáng những người lính, những đoàn viên, thanh niên, người dân địa phương cùng nhau góp sức xây dựng mái ấm cho người có công. Đáng chú ý, các hoạt động hỗ trợ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà ở, mà còn bao gồm việc hỗ trợ sinh kế, trang bị đồ dùng thiết yếu, tạo điều kiện để người thụ hưởng vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo Công ty 75 - Binh đoàn 15 tặng quà cho các gia đình khó khăn được hỗ trợ trong chương trình xóa nhà tạm, dột nát tại khu vực biên giới Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
Lan tỏa hành trình tri ân
Là một trong những tỉnh đầu tiên công bố hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, Cà Mau đã hoàn thành với tiến độ thần tốc, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và tinh thần trách nhiệm cao của người dân địa phương.
Hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 9.671 căn nhà được sửa chữa, xây mới. Trong đó có 3.715 căn hỗ trợ hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (xây mới 1.652 căn, sửa chữa 2.063 căn). Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của doanh nghiệp và người dân, hàng ngàn ngôi nhà mới đã được dựng lên, thay thế những căn nhà tạm. Niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt những người lính già, thân nhân liệt sĩ, khi được dọn vào ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Đó chính là phần thưởng xứng đáng nhất cho những hy sinh thầm lặng của những gia đình có công với cách mạng.
Ngôi nhà của gia đình ông Võ Văn Hùng (ấp Văn Đức B, xã An Trạch) vừa hoàn thành và bàn giao trong niềm vui mừng của gia đình. Là một trong những gia đình chính sách tiêu biểu, ngôi nhà không chỉ là tổ ấm mới mà còn là nơi trang trọng thờ cúng hai Mẹ Việt Nam Anh hùng là mẹ ruột và mẹ vợ của ông Hùng. Niềm vui của gia đình ông Hùng cũng là niềm vui chung của 90 gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã An Trạch, khi mỗi hộ được nhận hỗ trợ 35 triệu đồng để sửa chữa và 70 triệu đồng xây nhà mới.
“Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhờ có Chương trình xóa nhà tạm hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Cùng với đó là con trai tôi đi lao động ngoài nước gửi tiền về thêm nên căn nhà được xây dựng kiên cố hơn. Mùa mưa năm nay gia đình tôi không còn lo sợ nhà dột, nhà sập nữa”, ông Võ Văn Hùng chia sẻ.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Rvê (tỉnh Đắk Lắk) động viên một gia đình chính sách đang xây dựng nhà mới theo Chương trình xóa nhà tạm. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Còn tại Đắk Lắk, thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở năm 2025 trên địa bàn tỉnh với tổng số 608 hộ. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 607/608 hộ (một trường hợp không có nhu cầu hỗ trợ). Nỗ lực từng ngày để tri ân sâu sắc những người đã hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, những căn nhà mới vững chãi được dựng lên không chỉ là nơi an cư, mà còn là biểu tượng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được gìn giữ và phát huy.
Những con số biết nói không thể lột tả hết niềm hạnh phúc của các gia đình chính sách được nhận nhà mới. Tại xã Ea Knốp, ông Nguyễn Ái Quế (sinh năm 1947, là thương binh hạng 3) không giấu nổi xúc động khi được Nhà nước hỗ trợ 110 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới rộng 50 m2. Năm 1970, ông Quế tham gia chiến trường Quân khu 5. Đến cuối năm 1973, ông bị thương nặng tại tỉnh Quảng Nam (cũ) do đạn bắn làm mất một phần quai hàm. Năm 1985, ông đi kinh tế mới vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp. Cuộc sống gia đình nhiều năm khó khăn, vợ mất vì bệnh ung thư máu, ông một mình nuôi con, nợ nần chồng chất.
“Nhà gỗ cũ lụp xụp xây hơn 30 năm trước, mục, dột nát khắp nơi. Nhờ chính sách của Nhà nước, tôi có được ngôi nhà mới, vững chãi, ấm áp. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm”, ông Quế chia sẻ.
Ở cùng xã, ông Ma Tiến Mướm (sinh năm 1956), người dân tộc Tày, cũng vừa hoàn thành việc sửa chữa căn nhà gỗ cũ sau hàng chục năm sử dụng. Là cựu chiến binh, bệnh binh mất sức 61%, từng chiến đấu ở nhiều tỉnh phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia, ông Mướm được hỗ trợ 50 triệu đồng từ ngân sách nhà nước và tỉnh để sửa nhà.

Công an xã Minh Sơn (Tuyên Quang) giúp người dân tháo dỡ nhà tạm để xây dựng nhà mới. Ảnh: TTXVN phát
Những ngôi nhà mới đã trở thành tổ ấm thực sự, nơi những người từng chịu nhiều mất mát, thiệt thòi có thể an tâm dưỡng già, sống trọn vẹn trong sự quan tâm của cộng đồng. Việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7/2025 là một trong những biểu hiện sinh động cho chính sách nhân văn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, cũng là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khi mục tiêu chung được đặt lên hàng đầu và từng người dân đều cảm nhận được vai trò của mình trong một sứ mệnh lớn lao.
Trong không khí cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công là món quà ý nghĩa, thể hiện rõ đạo lý truyền thống và trách nhiệm của toàn xã hội đối với những người đã cống hiến vì độc lập - tự do của Tổ quốc. Từ đây, hành trình tri ân không dừng lại, mà sẽ tiếp tục lan tỏa, tiếp nối bằng những chính sách và hành động thiết thực khác, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái. Những mái ấm tri ân chính là biểu tượng sống động của sự đồng lòng, của truyền thống nghĩa tình mà dân tộc Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy qua các thời kỳ lịch sử.