Vệt nắng trong bão dông

Những đơn vị lính Mỹ tăng cường đầu tiên cho châu Âu đã có mặt tại Đức, nhằm hỗ trợ các đồng minh NATO, ở những vị trí sát cạnh 'thùng thuốc súng' Ukraine. Tuy nhiên, cùng lúc đó, sau thành công của chiến dịch truy quét khủng bố lớn nhất mà binh lính Mỹ thực hiện tại Tây Bắc Syria kể từ năm 2019, thế giới lại thấy Bộ Ngoại giao Nga chìa tay, trong một động thái hòa giải hiếm hoi giữa lúc căng thẳng Đông - Tây đang leo thang chóng mặt.

Và có lẽ, điều đó cũng đủ để xác lập, duy trì và củng cố một niềm hy vọng: Các cường quốc hàng đầu sẽ biết cách tạm gác xung đột, mà kề vai góp sức vì những mục tiêu chung lớn lao, vì sự an nguy của cả loài người.

Khủng bố vẫn là “hiểm họa toàn cầu”

Vào ngày 3-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: Mối đe dọa khủng bố toàn cầu đã được xóa bỏ, khi Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi - thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – bị tiêu diệt, trong cuộc đột kích mà lực lượng đặc nhiệm Mỹ thực hiện bằng máy bay trực thăng trong đêm. Al-Qurashi đã tự cho nổ tung thân mình và cái chết của Al-Qurashi được cho là tổn thất lớn nhất đối với nhóm thánh chiến IS, kể từ khi đối tượng Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của Mỹ cũng ở tỉnh Idlib, Syria hồi năm 2019.

Khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran - một bước “xuống thang” quan trọng từ Washington.

Trước đó, cùng ngày, Lầu Năm Góc cho biết các lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ đã thực hiện thành công một chiến dịch truy quét khủng bố ở Tây Bắc Syria - "căn cứ địa" cuối cùng của lực lượng nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ qua. Đây cũng được cho là nơi ẩn náu của các thủ lĩnh IS và là “đầu não chỉ huy” những hoạt động đang gia tăng của các nhóm khủng bố thời gian qua, tại khu vực.

Chiến dịch do Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động không kích ở Syria, đứng đầu. Tất cả thành viên lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đã kết thúc chiến dịch an toàn. Họ trở về, với một thành công hiển nhiên là rất ấn tượng.

Trong nhiều năm qua, các lực lượng Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc không kích bằng máy bay không người lái để tiêu diệt các phần tử khủng bố ẩn náu ở Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, dường như chưa bao giờ, một chiến dịch như thế này lại nhận được phản hồi tích cực đến như vậy, từ phía Moskva.

Cũng trong ngày 3-2, nghĩa là ngay sau khi chiến dịch của Mỹ chính thức được xác nhận thắng lợi, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Nga ủng hộ nỗ lực của tất cả các nước khác, bao gồm cả liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Dĩ nhiên, Moskva cũng đồng thời kêu gọi tiến hành "điều tra thấu đáo" nếu có dân thường thương vong trong cuộc đột kích này. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Nga vẫn khẳng định sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, trước mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.

Có lẽ cũng cần lưu ý, mới ngày 27-1, Phó Đại diện Thường trực của Nga tại Liên Hợp quốc - ông Dmitry Polyanskiy - tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu tất cả lực lượng nước ngoài được triển khai một cách bất hợp pháp ngay lập tức rút quân khỏi Syria. Mỹ đã thất bại trong việc chống khủng bố ngay cả ở địa phương, chứ chưa nói đến toàn cầu. Việc IS tấn công một nhà tù ở thành phố Al-Hasakah đã thể hiện điều đó".

Rõ ràng, những động thái mới nhất, cho dù mới chỉ là về mặt ngôn từ trong lĩnh vực ngoại giao, cũng đã hé mở những khía cạnh hết sức khác biệt trong mối quan hệ phức tạp giữa nước Nga với nước Mỹ, hay rộng hơn là Nga - NATO/phương Tây. Và dù sao, bất chấp các diễn tiến căng thẳng tại Đông Âu, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn được giữ nguyên vị trí quan trọng của mình, đối với các đại cường thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Đối thoại là con đường duy nhất

Có lẽ còn quá sớm để hy vọng cuộc chiến chống khủng bố sẽ trở thành một cánh cửa thoát hiểm dành cho các tiến trình hạ nhiệt căng thẳng Nga - phương Tây, khi những bất đồng vẫn được duy trì ở trạng thái không khoan nhượng từ cả hai phía.

Song, việc Moskva bày tỏ thiện chí ở một lĩnh vực như chống khủng bố, trên phương diện ngoại giao, cũng có thể xem là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Điện Kremlin không muốn đẩy cao mức độ căng thẳng đến độ không thể cứu vãn. Mà ngược lại, Washington cũng không có lý do gì để thực hiện điều đó. Cũng như khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 thời Chiến tranh Lạnh - nghĩa là tròn nửa thế kỷ trước, viễn cảnh về một cuộc đối đầu trực diện giữa hai khối quyền lực quân sự sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân là quá khủng khiếp và hoàn toàn có thể hủy diệt nhân loại.

Vấn đề là, cho dù ý thức được điều đó, mỗi bước “xuống thang” cũng luôn cần có những lộ trình thích hợp, trong nhãn quan của bất cứ chính trị gia nào. Tiến trình ấy sẽ dễ dàng trở thành hiện thực hơn, nếu được cụ thể hóa bằng những động thái “có đi có lại” tương ứng từ cả hai phía và gắn liền với những điểm thỏa hiệp cần thiết. Kể cả khi không liên quan trực tiếp đến vấn đề khúc mắc chính, những sự hòa hoãn ở các diễn biến tưởng chừng không liên quan vẫn có thể đóng vai trò của chiếc van xả.

Một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Nga khẳng định lập trường ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố: Khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran, nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 đang bước vào giai đoạn then chốt.

Quyết định này của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được giải thích rõ: “Việc miễn trừng phạt nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán đạt một thỏa thuận về tái cam kết đầy đủ của các bên với JCPOA và đặt nền móng cho Iran trở lại tuân thủ các cam kết của mình trong văn kiện này". Đồng thời, việc miễn trừng phạt "phục vụ cho các lợi ích của Mỹ liên quan đến không phổ biến vũ khí hạt nhân và an toàn hạt nhân, cũng như kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran".

Khi nước Nga tuyên bố ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, IS thực sự bị đặt vào một gọng kìm hủy diệt.

Ở đây, cũng cần làm rõ: Việc miễn trừng phạt sẽ cho phép các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu thực hiện các dự án hợp tác nhằm đảm bảo rằng các cơ sở hạt nhân của Iran không được sử dụng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Các công việc này bao gồm thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở Iran, công tác chuẩn bị và sửa đổi cở sở Fordow cho việc sản xuất chất đồng vị, các hoạt động, đào tạo và dịch vụ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Busher... cùng nhiều công việc khác.

Cũng như cuộc chiến chống khủng bố, tiến trình hồi sinh JCPOA là một vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh nhằm mục tiêu phát triển toàn cầu. Sự bế tắc mà JCPOA “sa lầy” trong 8 vòng đàm phán gần nhất đã luôn nằm trong tâm điểm chú ý của giới quan sát chính trị quốc tế. Trong “trận chiến ngoại giao” đó, nước Nga vẫn luôn là đồng minh gắn bó, là chỗ dựa quan trọng nhất của Tehran. Và bây giờ, với bước nhượng bộ mới nhất từ Washington, những giải pháp kế tiếp hoàn toàn có thể nhanh chóng xuất hiện, thông qua đối thoại.

Ta có thể hình dung, nếu bất đồng được thu hẹp ở câu chuyện xoay quanh JCPOA và nếu các cơ chế hợp tác được thiết lập trên mặt trận chống khủng bố (hay xa hơn, ngăn chặn và đẩy lùi những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của loài người như đại dịch COVID-19 hay tiến trình biến đổi khí hậu thế giới), bóng ma xung đột quân sự tại Đông Âu cũng sẽ được kiềm chế bởi những ràng buộc vô hình.

Thực ra, trong thế giới ngày càng phẳng đi hiện tại, không có vấn đề nào hoàn toàn tách biệt với vấn đề nào. Bên cạnh đó, cho dù việc xác lập và tái định hình trật tự thế giới cũng như các hệ lụy của nó là không thể tránh khỏi, thì vấn đề mấu chốt ở mọi mối quan hệ đối ngoại chiến lược vẫn là cán cân được - mất, nặng - nhẹ về lợi ích.

Cũng bởi vậy, hợp tác và đối thoại vẫn sẽ luôn là xu hướng tất yếu dành cho tương lai, trong mối quan hệ giữa các siêu cường, chứ không phải căng thẳng và đối đầu. Những tín hiệu tích cực đang bắt đầu lóe lên...

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/vet-nang-trong-bao-dong--i643617/