Vết nhơ bảo mật ở Anh trong vụ rò rỉ thông tin về hàng ngàn người Afghanistan
Chính phủ Anh trước đây và hiện tại đang phải đối mặt với cáo buộc trốn tránh sự giám sát và làm suy yếu nền dân chủ sau khi tiết lộ rằng hàng nghìn người Afghanistan đã được tái định cư tại xứ sở sương mù theo một chương trình bị che giấu khỏi truyền thông, công chúng và cả các nhà lập pháp.
Sai lầm từ một email
Câu chuyện này bắt đầu từ việc các nước phương Tây (trong đó có Anh) quyết định rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, khi Taliban tràn vào khắp đất nước, chiếm Kabul và áp đặt lại luật Hồi giáo hà khắc của họ. Những người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng phương Tây với tư cách là phiên dịch, biên dịch, nhân viên chính quyền chuyển tiếp và các vai trò khác, hoặc từng phục vụ trong quân đội Afghanistan được quốc tế hậu thuẫn đều có nguy cơ bị trả thù. Do đó, chính phủ Anh đã thiết lập một chương trình, được gọi là Chính sách hỗ trợ và tái định cư Afghanistan (ARAP), để đưa một số người đến Anh sinh sống.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phát biểu trước Quốc hội Anh về vụ rò rỉ thông tin từ năm 2023. Ảnh: Reuters.
Nhưng đến tháng 2/2022, một quan chức quốc phòng Anh đã gửi nhầm email bao gồm một tập tin chứa thông tin cá nhân của gần 19.000 người Aghanistan nộp đơn xin ARAP (chủ yếu là những người đang xin tị nạn hoặc đã có người thân trong danh sách ARAP) cho một người không thuộc biên chế Bộ Quốc phòng. Đáng chú ý là Chính phủ Anh chỉ biết về vụ rò rỉ khi một phần dữ liệu được đăng tải trên Facebook 18 tháng sau đó. Kẻ đăng tải thông tin này còn đe dọa sẽ công bố toàn bộ danh sách. Trong khi đó, nhân viên gửi nhầm email lại vẫn cho rằng chỉ gửi một danh sách chứa khoảng 150 cái tên, chứ không phải toàn bộ 19.000 người.
Đương nhiên là với Taliban vẫn đang trên đà củng cố quyền lực sau khi chiếm Kabul năm 2021, những người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng NATO đã trở thành mục tiêu hàng đầu và việc bị lộ danh tính đối với họ được xem là án tử hình. Một nguồn tin từ hãng Reuters cho hay, nếu tính cả các thành viên gia đình của những người được nêu tên trong bản danh sách thì con số người bị ảnh hưởng bởi vụ rò rỉ dữ liệu này có thể lên tới 100.000 người.
Sự che đậy vô lý của chính phủ
Theo tin từ tờ Telegraph, bê bối rò rỉ thông tin này được tiết lộ hôm 15/7. Đại diện chính phủ Anh sau đó thừa nhận rằng, khi thông tin về dữ liệu bị rò rỉ trên Facebook năm 2023, chính quyền London đã cấm giới truyền thông đưa tin hay phân tích thêm. Còn lần này, vụ việc bị xới lại, lệnh cấm đối với giới truyền thông báo chí đã được dỡ bỏ. Phát biểu tại Hạ viện, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết ông rất tiếc về vụ việc và "cảm thấy vô cùng lo ngại về sự thiếu minh bạch đối với Quốc hội và công chúng". “Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới tất cả những người có thông tin bị xâm phạm", ông John Healey nói.
Cũng theo thông tin mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh cung cấp, chính phủ Anh hồi năm 2023 đã yêu cầu tòa án ra lệnh cấm tiết lộ thông tin rò rỉ, nhằm ngăn chặn việc thông tin cá nhân bị công khai thêm nữa. Tòa án Tối cao Anh đã ban hành một lệnh được gọi là lệnh siêu cấm, cấm bất kỳ ai tiết lộ sự tồn tại của nó. Lệnh siêu cấm tương đối hiếm và việc sử dụng chúng còn gây tranh cãi. Hầu hết các trường hợp được đưa ra ánh sáng đều liên quan đến những người nổi tiếng cố gắng ngăn chặn việc tiết lộ thông tin về đời tư của họ. Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến về việc chính phủ Anh được cấp lệnh siêu cấm.

Taliban đang tiến gần đến Kabul khi các lực lượng phương Tây rút lui vào tháng 8/2021. Ảnh: Getty.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 16/7 thông tin thêm rằng, thời điểm đó, ông đã tìm kiếm biện pháp pháp lý này để có "thời gian và không gian để giải quyết vụ rò rỉ dữ liệu cũng như tìm hiểu xem Taliban có nắm giữ nó hay không" và bảo vệ những người gặp nguy hiểm. Nhưng ông chỉ yêu cầu một lệnh thông thường, chứ không phải lệnh siêu cấm trong thời hạn bốn tháng. Nào ngờ, lệnh siêu cấm được cấp và được áp dụng trong gần hai năm.
Sau đó, chính phủ đã thiết lập một chương trình bí mật để tái định cư ở Anh cho những người Afghanistan bị đánh giá là có nguy cơ cao nhất, là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Taliban. Một số nạn nhân tiết lộ họ nhận được lời đe dọa, một số khác bị cho là mất tích một cách bí ẩn hoặc phải trốn chạy. Cho đến nay, khoảng 4.500 người Afghanistan, gồm 900 người nộp đơn và 3.600 thành viên gia đình, đã được đưa đến Anh theo chương trình này và dự kiến khoảng 6.900 người sẽ được tái định cư vào thời điểm chương trình kết thúc, với tổng chi phí khoảng 850 triệu bảng Anh (1,1 tỷ USD).
Lời xin lỗi muộn màng
Trong khi đó, một số hãng tin đã biết về danh sách bị rò rỉ nhưng bị cấm đăng tải các bài viết về nó. Họ kháng cáo lệnh siêu cấm lên tòa án và một thẩm phán đã ra lệnh dỡ bỏ lệnh này vào tháng 5/2024, nhưng lệnh này vẫn được giữ nguyên sau khi chính phủ kháng cáo. Tháng 7/2024, Anh tổ chức một cuộc bầu cử, đưa Đảng Lao động trung tả lên nắm quyền. Thủ tướng Keir Starmer và nội các của ông đã biết về lệnh cấm ngay sau khi nhậm chức và đang vật lộn với cách xử lý sao cho hài hòa.

Hàng nghìn người Afghanistan, bao gồm nhiều người từng làm việc cho lực lượng Anh, đã được bí mật tái định cư tại Anh sau khi dữ liệu danh tính của họ bị rò rỉ, làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể bị Taliban nhắm mục tiêu. Ảnh: Getty Images.
Tháng 1/2025, chính phủ đã ra lệnh cho một cựu công chức cấp cao tên là Paul Rimmer đứng đầu một nhóm điều tra, tổ chức một cuộc đánh giá độc lập cho biết, xem xét lại toàn bộ vụ việc. Kết quả, nhóm của Paul Rimmer đã tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy dữ liệu bị rò rỉ sẽ khiến người Afghanistan phải đối mặt với nguy cơ bị Taliban trả thù cao hơn. Bản đánh giá cho biết, Taliban có các nguồn thông tin khác về những người đã làm việc với chính phủ Afghanistan trước đây và các lực lượng quốc tế và họ lo ngại hơn về các mối đe dọa hiện tại đối với quyền lực của mình. Với những phát hiện đó, chính phủ Anh đã từ bỏ sự ủng hộ đối với lệnh siêu cấm. Lệnh cấm được dỡ bỏ tại tòa án vào ngày 15/7 và sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey lần đầu tiên công khai câu chuyện này.
Tuy nhiên, lời xin lỗi không đủ để xoa dịu lòng tin bị xói mòn. Nhiều tổ chức nhân quyền chỉ trích chính phủ về sự thiếu minh bạch, chậm trễ và việc đặt lợi ích chính trị lên trên nghĩa vụ nhân đạo. Những người chỉ trích cho rằng điều này vẫn khiến hàng nghìn người từng hỗ trợ quân đội Anh với tư cách là phiên dịch viên hoặc các vai trò khác có nguy cơ bị tra tấn, bỏ tù hoặc bị giết. Sean Humber, một luật sư tại Công ty luật Leigh Day, nơi đại diện cho nhiều nguyên đơn người Afghanistan cho biết, vụ vi phạm dữ liệu "thảm khốc" này đã gây ra "sự lo lắng, sợ hãi và đau khổ" cho những người bị ảnh hưởng.
Nooralhaq Nasimi, người sáng lập Hiệp hội Afghanistan và Trung Á của Anh nói: “Hàng ngàn người Afghanistan ủng hộ phái bộ Anh - nhiều người trong số họ đặt niềm tin vào đất nước này - đã bị phản bội một cách nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi chính phủ "bồi thường thỏa đáng và thực hiện các bước khẩn cấp để bảo vệ những người vẫn đang gặp nguy hiểm”.

Công dân Anh và người mang hai quốc tịch đang cư trú tại Afghanistan lên máy bay quân sự để sơ tán khỏi sân bay Kabul, Afghanistan ngày 16/8/2021. Ảnh: Reuters.
Và những ước tính về thiệt hại mới
Tờ The Guardian dẫn một nguồn tin khác từ chính phủ Anh cho hay, con số ước tính 850 triệu bảng Anh cho bê bối này mà Bộ Quốc phòng Anh đưa ra ở trên vẫn chưa dừng lại. Bởi lẽ, một tài liệu nội bộ của chính phủ từ tháng 2/2025 cho biết, chi phí có thể tăng lên 7 tỷ bảng Anh. Và nếu có giảm thiểu đến mấy thì chi phí mà người nộp thuế ở Anh phải gánh chịu cho các chương trình hiện có nhằm hỗ trợ những người Afghanistan được coi là đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Anh, cũng như chi phí bổ sung từ vụ rò rỉ, có thể vẫn sẽ lên tới ít nhất 6 tỷ bảng Anh. Và việc kiện tụng của các nạn nhân trong vụ rò rỉ dữ liệu có thể làm tăng thêm chi phí cho chính phủ, ngoài số tiền đã chi cho lệnh siêu cấm.
Hiện có khoảng 5.400 người Afghanistan đã nhận được thư mời đưa đến Anh trong những tuần tới. Điều này sẽ nâng tổng số người Afghanistan bị ảnh hưởng bởi vụ rò rỉ được di dời đến Anh lên 23.900 người. Những người Afghanistan còn lại sẽ bị bỏ lại, tờ Times đưa tin. Khoảng 1.000 người Afghanistan khác có tên trong danh sách bị rò rỉ cũng đang chuẩn bị kiện Bộ Quốc phòng, yêu cầu bồi thường ít nhất 50.000 bảng Anh mỗi người, trong một vụ kiện chung do hãng Barings Law dẫn đầu.