Vì môi trường sống an toàn cho trẻ em vùng cao

Hè về, khoảng thời gian nhiều trẻ em được bố mẹ cho đi chơi, du lịch, thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày học tập căng thẳng ở trường. Nhưng với trẻ em ở huyện vùng cao Võ Nhai, nghỉ hè là thời điểm các em có thêm thời gian giúp đỡ gia đình việc nhà, trông em hoặc cùng bố mẹ lên nương.

Trẻ em ở huyện vùng cao Võ Nhai chọn mua đồ chơi tại một cửa hàng ở thị trấn Đình Cả.

Trẻ em ở huyện vùng cao Võ Nhai chọn mua đồ chơi tại một cửa hàng ở thị trấn Đình Cả.

Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai đều có cán bộ phụ trách công tác trẻ em cấp xã theo quy định. Tổng số trẻ em trên địa bàn là hơn 16.770 trẻ, trong đó giới tính nam hơn 8.800 em, nữ trên 7.970 em; trẻ em là người dân tộc thiểu số là hơn 13.200 em. Cơ bản trẻ em trên địa bàn huyện đã được chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng và bảo vệ theo Luật Trẻ em.

Trẻ em được sống, được học tập, vui chơi, giải trí, tham gia tham vấn các vấn đề về trẻ em theo quy định. 100% trẻ em được tham gia các hoạt động tập thể, Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi…

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Năm vừa qua, huyện đã tổ chức 1 buổi đối thoại của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện với trẻ em; đảm bảo quyền được nêu ý kiến của trẻ em, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trẻ em; từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách đảm bảo nâng cao hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

UBND huyện đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, học tập và vui chơi.

Hội đồng Đội huyện đã chỉ đạo các liên đội nhà trường tổ chức cho các đội viên tích cực tham gia phong trào “Nói lời hay - làm việc tốt” gắn với các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức theo cuộc vận động “Thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”.

Các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, như: Mô hình xếp sách, tuyên truyền về 1 cuốn sách hay; quyên góp, ủng hộ sách tạo nguồn sách cho thư viện trường học. Cùng với đó là các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao ý thức kỷ luật; biết vâng lời người lớn, lễ phép với ông bà, cha mẹ…

Trẻ em ở bản Mỏ Chì (xã Cúc Đường, Võ Nhai) theo mẹ đi chợ.

Trẻ em ở bản Mỏ Chì (xã Cúc Đường, Võ Nhai) theo mẹ đi chợ.

Các xã, thị trấn phát động phong trào “Nuôi heo đất vì bạn nghèo”, “Kế hoạch nhỏ” trong các trường tiểu học, THCS, thu gom sách báo cũ, ve chai, thực hiện công tác kế hoạch nhỏ gây quỹ tặng quà, sách giáo khoa, áo trắng, bút viết cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lao động sớm; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về "An toàn trên mạng cho trẻ em” trong các trường học.

Hiện nay, có nhiều mô hình câu lạc bộ thể thao, văn nghệ được thành lập và hoạt động trong trường học; duy trì tổ chức “Ngày hội thiếu nhi vui khỏe”, “Ngày hội chăm sóc sức khỏe trẻ em”,“Diễn đàn văn hóa ứng xử - phòng chống bạo lực học đường”… tạo các sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Đồng thời vận động hỗ trợ tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thăm hỏi, tặng quà cho trẻ mồ côi, tàn tật.

Chỉ tính riêng năm 2023, tổng kinh phí cho công tác trẻ em của huyện Võ Nhai là hơn 608 triệu đồng; dự kiến tổng kinh phí phục vụ công tác trẻ em năm 2024 là 200 triệu đồng…

Bên cạnh những kết quả, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em tại Võ Nhai vẫn còn những tồn tại, như: một số gia đình mải mê làm kinh tế, mưu sinh, chưa dành thời gian quan tâm chăm sóc con em mình; tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng; quyền tham gia của trẻ em có nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa được chú trọng... Trong năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ xâm hại trẻ em, 2 vụ tai nạn thương tích đối với trẻ em…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong năm nay, UBND huyện tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về quyền trẻ em. Từ đó bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; tiếp tục thực hiện tốt việc cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/vi-moi-truong-song-an-toan-chotre-em-vung-cao-215059e/