Vì môi trường trong lành

Sống xanh đang là xu hướng của nhiều người, khi câu chuyện ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu không còn là cảnh báo nữa, mà đã hiện hữu từng ngày, từng giờ. Thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất, đến những kế hoạch dài hạn trong tương lai, sống xanh đang tạo ra trào lưu mới để hướng tới một cuộc sống hài hòa hơn, tích cực hơn.

Lá phổi xanh của thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh

Lá phổi xanh của thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh

“Nói không với rác thải nhựa”

Ông Phùng Thế Hiệu, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đã được phát động từ năm 2018. Trong thời gian này, từ Quỹ Bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phát trên 2.000 túi thân thiện với môi trường cho người dân trong tỉnh thông qua các đợt phát động hưởng ứng Ngày đại dương thế giới, Ngày môi trường thế giới, chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… trong năm 2020, dự kiến sẽ phát trên 15 nghìn túi thông qua các chiến dịch này. Có thể thấy, từ phong trào này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Cuối tháng 5-2020, kế hoạch thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác và chống rác thải nhựa” được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai thực hiện với 4 quy trình: Phân loại rác thải sinh hoạt gia đình theo hình thức vận động mỗi gia đình có 2 thùng đựng rác thải: 1 thùng đựng rác hữu cơ (màu xanh), 1 thùng đựng rác vô cơ (màu vàng); thu gom rác; vận chuyển rác và xử lý rác thải. Xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được lựa chọn làm điểm. Ông Bùi Trường Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Phú cho biết, đây được xem là bước thay đổi quan trọng đối với người dân Kim Phú, khi lâu nay, bà con chủ yếu đổ chung rác vào một thùng. Hiện, Ủy ban MTTQ tỉnh đang chuẩn bị các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác, những rác hữu cơ sẽ được phân loại riêng để tái chế, rác thải nhựa, rác thải vô cơ phân loại riêng.

Chị Trịnh Thị Thảo (ngoài cùng bên phải ảnh) xã Khuôn Hà (Lâm Bình) giới thiệu những sản phẩm bằng tre, gỗ do mình sản xuất đến người tiêu dùng. Ảnh: Hải Hương

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang cho biết, trước đây chương trình phân loại rác tại nguồn đã được tổ chức thí điểm tại phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiệu quả đem lại chưa cao. Khi câu chuyện rác thải nhựa đang ngày càng trở nên bức thiết, thì việc khởi động lại chương trình này lại nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Toàn bộ số rác thải nhựa, rác thải có thể tái chế được từ các tổ tự quản, công ty sẽ đứng ra thu mua toàn bộ, rác thải hữu cơ hoặc người dân tự ủ thành phân, hoặc đơn vị sẽ thu gom đưa về bãi rác Nhữ Khê để xử lý theo quy định. Về lâu dài, việc thu hút các doanh nghiệp tái chế rác thải đầu tư vào tỉnh cần được tính đến để việc phân loại rác tại nguồn được nhân rộng ra toàn tỉnh.

Ngay sau đó, các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt tổ chức ra quân Ngày Chủ nhật xanh. Trong đó, mục tiêu là tập trung làm đẹp cảnh quan, tuyên truyền hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ nguồn nước... Lần đầu tiên, Thành đoàn Tuyên Quang tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh tại khu vực chợ Tam Cờ, phường Tân Quang và chợ An Phú, phường An Tường. Bí thư Thành đoàn Tuyên Quang Phạm Thị Bích Hường cho biết, ngày đầu ra quân, chương trình đã nhận được phản hồi rất tốt từ phía người dân. Chỉ trong một buổi sáng, toàn bộ 200 cây xanh được Thành đoàn chuẩn bị đã đổi được hơn 200 kg rác thải. Từ hiệu ứng này, Thành đoàn Tuyên Quang đã quyết định sẽ tổ chức chương trình này vào các ngày chủ nhật hàng tuần để lan tỏa hơn nữa ý thức giữ gìn môi trường, thu gom rác thải nhựa trong mỗi người dân. Số rác thải thu gom được sẽ bán cho các cơ sở tái chế, tiền thu được sẽ tiếp tục mua cây xanh cho các chương trình tiếp theo.

Thay đổi thói quen…

Xếp những chiếc thìa tre ăn dặm gửi cho khách hàng phương xa, chị Trịnh Thị Thảo, cô gái Tày ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) không giấu được niềm vui và cả niềm tự hào. Thảo bảo, đây là sản phẩm có giá bán rất rẻ, chỉ 25 nghìn đồng, nhưng lại là sản phẩm mà chị tâm đắc nhất, hài lòng nhất. Các bà mẹ, nhất là các bà mẹ trẻ, vài năm trở lại đây có xu hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con. Nắm bắt nhu cầu này, chị Thảo thiết kế chiếc thìa ăn dặm từ tre, so với các loại thìa ăn dặm có trên thị trường, thì thìa ăn dặm bằng tre mẫu mã đơn giản hơn, màu sắc ít bắt mắt hơn nhưng lại vượt trội về độ an toàn khi sản phẩm hoàn toàn không có chất bảo quản, không bị mốc, an toàn, và quan trọng hơn, là giúp các em cảm nhận được tự nhiên một cách dễ dàng nhất, gần gũi nhất.

Người dân hưởng ứng chương trình đổi rác thải lấy cây xanh do Chi cục Bảo vệ môi trườngphối hợp với Thành đoàn Tuyên Quang tổ chức. Ảnh: Quốc Việt

Thìa ăn dặm bằng tre chỉ là một trong số hàng chục sản phẩm mà Hợp tác xã Nhật Minh do chị Thảo làm Giám đốc sản xuất. Đây cũng là những sản phẩm thuộc dự án sản xuất đồ dùng bằng mây, tre, nứa khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã vượt qua 34 ý tưởng khởi nghiệp khu vực phía Bắc và lọt vào Top 3 dự án được kết nối với nhà đầu tư quốc tế Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Các sản phẩm chính của Hợp tác xã Nhật Minh là cốc, bát, thìa, ống hút, bình đựng nước “phủ sóng” khắp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, từ giữa năm 2019, cùng với các sản phẩm thủ công, Hợp tác xã Nhật Minh “lấn sân” sang xây dựng các tiểu cảnh, bungalow (nhà gỗ) từ tre, nứa, gỗ. Thị trường cũng mở rộng từ Lâm Bình đến các địa phương phát triển mạnh về du lịch như Quảng Ninh. Chị Thảo khoe vừa nhận được 8 công trình tiểu cảnh cho một số doanh nghiệp du lịch ở Bãi Cháy, đây là cơ hội để các sản phẩm tre nứa địa phương quê mình có cơ hội vươn xa ra khỏi “lũy tre làng”, và làm mát xanh thêm những điểm du lịch nổi tiếng.

Phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường cũng đang là lựa chọn của nhiều địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất đồ dùng bằng mây, tre thay thế đồ dùng bằng nhựa, như Hợp tác xã An Nhiên Phát, xã Khuôn Hà (Lâm Bình); Tổ hợp tác sản xuất Mây tre đan Phúc Thịnh, Tổ hợp tác sản xuất Mây tre đan Hùng Mỹ (Chiêm Hóa), Hợp tác xã Dịch vụ Thanh niên Năng Khả (Na Hang)...

Sống xanh, như đúng tên gọi của nó, đã thay đổi từ thói quen thu gom rác thải, từ cách lựa chọn đồ dùng gia đình, đến cả tư duy sản xuất “ăn xổi” một thời. Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, vùng sản xuất gạo hữu cơ Tân Trào áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, ngoài những chế phẩm sinh học, thuốc tự chế để phòng trừ sâu bệnh hại, những kinh nghiệm dân gian như dùng cắm cây riềng để đuổi chuột hại, dùng lá xoan, lá cơi, lá neéng... nghiền nát để đuổi bọ xít, sâu cuốn lá… Cách làm đơn giản tưởng như đã bị lãng quên sau nhiều năm làm quen với thuốc trừ sâu, phân hóa học, giờ lại được bà con vận dụng lại, đem lại những hiệu quả không ngờ. Sản xuất sạch, sản phẩm sạch, giá bán cao, nhu cầu thị trường lớn… đây chính là tiền đề để Tân Trào nhân rộng mô hình sản xuất đặc biệt này trong những năm tiếp theo.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sống xanh bắt nguồn từ những hành động đơn giản nhất: Tắt máy xe khi chờ đèn đỏ từ 25 giây trở lên, sử dụng năng lượng tái tạo, dùng hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tiết giảm đồ dùng nhựa, đồ dùng 1 lần… Lối sống này giúp con người bớt lệ thuộc vào tài nguyên, điều đó cũng có nghĩa là bớt tác động vào môi trường. Đây chính là gốc rễ giữ được màu xanh của hành tinh này cho thế hệ tương lai.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/vi-moi-truong-trong-lanh-133103.html