Vì sao Arsenal chuộng cầu thủ Chelsea?

Tuyến đường từ Stamford Bridge đến Emirates ngày càng trở nên nhộn nhịp khi Arsenal liên tục chiêu mộ các 'người cũ' Chelsea.

 Kepa rời Chelsea để sang Arsenal.

Kepa rời Chelsea để sang Arsenal.

Lại thêm một cái tên rời Stamford Bridge để đầu quân cho Emirates. Kepa Arrizabalaga là cái tên mới nhất nối dài danh sách những cầu thủ Chelsea khoác lên mình màu áo đỏ trắng của Arsenal.

Mức phí chỉ 5 triệu bảng khiến thương vụ này tưởng như nhỏ bé, nhưng nó tiếp tục phản ánh một xu hướng ngày càng rõ rệt trong bóng đá Anh. Tuyến đường từ tây sang bắc London chưa bao giờ nhộn nhịp đến thế.

Kể từ mùa hè 2019, Arsenal chi khoảng 90 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ từ Chelsea. Trong 7 mùa giải gần nhất, có tới 6 mùa họ thực hiện ít nhất một thương vụ theo hướng đó.

Sau Petr Cech là David Luiz, Willian, Jorginho, Kai Havertz, Raheem Sterling, và giờ là Kepa. Dù mỗi bản hợp đồng đều mang màu sắc riêng, đằng sau chuỗi thương vụ ấy là những nguyên nhân rất căn cơ, phản ánh tư duy chuyển nhượng đặc trưng của Arsenal thời hậu Wenger.

Một điểm dễ bị bỏ qua nhưng thực ra rất quan trọng. Tất cả cầu thủ kể trên đều không phải rời khỏi London.

Với những người đã có gia đình ổn định, con cái học hành, vợ con quen nếp sống ở thủ đô, việc chỉ phải đổi màu áo chứ không đổi thành phố là yếu tố cực kỳ hấp dẫn. Họ có thể ở lại nhà cũ hoặc chỉ cần chuyển vài quận - một sự “dịch chuyển mềm” dễ chấp nhận hơn nhiều so với việc sang thành phố khác, quốc gia khác.

Một mẫu số chung khác: hầu hết các cầu thủ từ Chelsea sang Arsenal đều đã ngoài 30 tuổi hoặc cận kề mốc đó. David Luiz, Willian, Jorginho, Kepa - không ai còn ở giai đoạn sung mãn nhất sự nghiệp. Những cầu thủ này thường không có quá nhiều lựa chọn tại các đội bóng đỉnh cao, bởi lẽ không nhiều CLB sẵn sàng trả mức lương như ở Chelsea.

Không thể bỏ qua vai trò của cựu Giám đốc thể thao Edu và HLV Mikel Arteta. Edu là người Brazil, nên không ngạc nhiên khi ông ưu ái những đồng hương như Luiz hay Willian.

Còn với Arteta, ông từng muốn có Jorginho từ thời làm trợ lý tại Man City. Khi có cơ hội, nhà cầm quân này lập tức hành động. Sự quen thuộc về ngôn ngữ, văn hóa, triết lý chơi bóng giúp những thương vụ này mang tính “mua nhanh - dùng ngay”.

Kể từ khi Todd Boehly và tập đoàn Clearlake tiếp quản Chelsea, đội bóng áo xanh bước vào thời kỳ thay máu chóng mặt. Họ chi hàng trăm triệu bảng cho cầu thủ trẻ, và hệ quả là phải bán đi những người không còn phù hợp với kế hoạch dài hạn.

Kai Havertz là ví dụ tiêu biểu. Dù chưa đạt kỳ vọng, vẫn còn tiềm năng và giá trị thị trường. Arsenal nhanh tay đưa anh về, tận dụng sự hỗn loạn ở đối thủ cùng thành phố.

 Kai Havertz cũng sang Arsenal từ Chelsea.

Kai Havertz cũng sang Arsenal từ Chelsea.

Ngay cả thương vụ mượn Sterling mùa trước cũng xuất phát từ nhu cầu “giải phóng quỹ lương” của Chelsea. Arsenal trả mức lương tối thiểu, gần như không rủi ro, nhưng lại có thêm một phương án tấn công.

Thương vụ Kepa lần này tiếp tục là một ví dụ điển hình của mô hình đó. Ở tuổi 30, Kepa không còn giữ vị thế thủ môn số một tại Chelsea, cũng chẳng còn mấy cơ hội ra sân ở đội hình chính. Việc sang Arsenal - nơi anh sẽ dự bị cho David Raya - nghe thì như “lùi một bước”, nhưng thực tế lại có nhiều mặt lợi. Ở lại London, nhận mức lương ổn, thi đấu tại đội bóng đua vô địch và được coi trọng hơn là “vật cản” trong đội hình thừa thãi của Chelsea.

Với Arsenal, đây là một món hời. Họ từng nhắm đến Joan García của Espanyol nhưng Barcelona nẫng tay trên với giá hơn 20 triệu bảng. Chiêu mộ Kepa với chỉ 5 triệu bảng là phương án dự phòng hợp lý, giàu kinh nghiệm Premier League và gần như không tạo áp lực tài chính.

Đó mới là câu hỏi quan trọng. Không phải bản hợp đồng nào từ Chelsea cũng thành công tại Arsenal. Willian là ví dụ tiêu biểu.

Chỉ sau một mùa giải mờ nhạt, anh tự yêu cầu hủy hợp đồng dù còn hai năm. David Luiz cũng không để lại nhiều ấn tượng ngoài vài khoảnh khắc thất thường. Havertz đang từng bước khẳng định giá trị, nhưng chưa thể gọi là thành công lớn.

Điều đó cho thấy: một thương vụ hợp lý trên lý thuyết không đồng nghĩa với thành công trên sân cỏ. Dẫu vậy, cái lý của Arsenal vẫn đáng được ghi nhận. Họ đã học cách “mua khôn” thay vì mua theo cảm hứng. Và nếu tiếp tục duy trì kỷ luật chuyển nhượng như hiện tại, không loại trừ khả năng một ngày nào đó, người hâm mộ Chelsea sẽ nhìn sang Arsenal và tự hỏi: “Sao cầu thủ của mình cứ hay chơi hay… sau khi ra đi?”.

Hà Trang

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-arsenal-chuong-cau-thu-chelsea-post1565500.html