Vì sao bác sĩ Tai Mũi Họng lại chỉ định đo thính lực, nhĩ lượng?

Đo thính lực, nhĩ lượng là kỹ thuật đánh giá một số chức năng của tai giữa, tai trong mà mà các thăm khám bằng nội soi không đánh giá được

Đo thính lực, nhĩ lượng là phương pháp kĩ thuật hay được các bác sĩ Tai Mũi Họng khi đánh giá một số bệnh, đặc biệt là về tai. Nhiều người bệnh băn khoăn: tại sao lại mất thời gian thế? Đã khám nội soi cả ống cứng, ống mềm..; phương tiện hiện đại thế mà tại sao lại phải tiếp tục đo cả thính lực, nhĩ lượng?

Vậy tại sao cần đo khả năng nghe?

Đo thính lực, nhĩ lượng là kỹ thuật đánh giá một số chức năng của tai giữa – tai trong mà mà các thăm khám bằng nội soi không đánh giá được. Đo thính lực và nhĩ lượng là phương pháp thăm dò không đau, không xâp nhập. Bệnh nhân cần hiểu và hợp tác với người đo để có kết quản chính xác.

Ống nội soi chỉ cho quan sát được đến màng nhĩ và cửa của lỗ vòi nhĩ do đó không thể đánh giá được một phần chính của tai giữa và toàn bộ tai trong qua nội soi Tai Mũi Họng

Ống nội soi chỉ cho quan sát được đến màng nhĩ và cửa của lỗ vòi nhĩ do đó không thể đánh giá được một phần chính của tai giữa và toàn bộ tai trong qua nội soi Tai Mũi Họng

Tai được cấu tạo gồm 3 phần: tai ngoài (giới hạn đến màng nhĩ), sau màng nhĩ là tai giữa và tai trong. Ống nội soi Tai Mũi Họng (cả ống cứng và ống mềm) đều chỉ quan sát được đến màng nhĩ và cửa của lỗ vòi nhĩ (khi soi vào họng mũi) do đó không thể đánh giá được một phần chính của tai giữa và toàn bộ tai trong qua nội soi Tai Mũi Họng. Vì thế khi các biểu hiện của người bệnh làm bác sĩ nghi ngờ người bệnh có tổn thương các cấu trúc của tai giữa và tai trong, bác sĩ sẽ cần đánh giá thêm các chức năng khác của tai là thính lực nhĩ lượng. Qua những hình ảnh biến đổi của nhĩ lượng và thính lực mà bác sĩ Tai Mũi Họng có thể chẩn đoán bệnh, mức độ bệnh cũng như đưa ra các quyết định xử trí bệnh như kê đơn thuốc, phẫu thuật (mổ) hay chỉ định sử dụng các phương tiện khuyếch đại âm thanh (các loại máy trợ thính, BAHA hay ốc tai điện tử…).

Ví dụ: Một bệnh nhân có triệu chứng ù tai, đau đầu một bên, khám thấy có khối sùi ở vòm mũi họng. Lúc này, đo thính lực, nhĩ lượng cũng là một thăm dò để chẩn đoán liệu khối u đó đã xâm lấn vào vòi tai hay chưa.

Hình ảnh u vòm xâm lấn vòi tai gây ra ù tai

Hình ảnh u vòm xâm lấn vòi tai gây ra ù tai

Một ví dụ nữa là trường hợp viêm tai giữa có thủng màng nhĩ, việc chỉ định thực hiện đo thính lực sẽ xác định xem người bệnh có cần chỉnh hình các xương con trong tai giữa hay chỉ cần vá lại màng nhĩ. Nếu thính lực dưới 50dB, thường sẽ có tổn thương các xương con của tai giữa, bác sĩ sẽ tập trung đánh giá kĩ trên phim CTscan xương tai và trong khi phẫu thuật; quyết định lấy bỏ xương, thay thế hay chỉnh hình, sắp xếp lại xương con… để kết quả sau phẫu thuật được tốt nhất.

Một số bệnh nhân bị ù tai nên không phân biệt được mình có nghe kém hay không. Việc đo thính lực cũng sẽ quyết định có tổn thương nghe kém đi kèm hay không, loại nghe kém đó là của tai trong hay tai giữa… từ đó mới xác định được phương án cũng như thuốc điều trị.

Một trường hợp được chỉ định đo thính lực để điều trị nghe kém đột ngột sau khi tiêm vaccine

Một trường hợp được chỉ định đo thính lực để điều trị nghe kém đột ngột sau khi tiêm vaccine

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/vi-sao-bac-si-tai-mui-hong-lai-chi-dinh-do-thinh-luc-nhi-luong-post1061752.vov