Vì sao các cây sưa trên đường Nguyễn Văn Huyên phải 'mặc giáp sắt'?

Hơn 10 ngày nay, 34 cây sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) bỗng nhiên được bọc sắt từ gốc đến ngang thân, khiến nhiều người đi đường ngỡ ngàng. Mặc dù với mục đích là để phòng cây bị xâm hại, song những chiếc 'giáp sắt' bọc kín ngang thân cây khiến không ít người băn khoăn...

Những cây sưa được "mặc giáp sắt" trên đường Nguyễn Văn Huyên

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường Vành đai 2,5), ngày 20-3-2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 100 cây bóng mát trên đường Nguyễn Văn Huyên (trong phạm vi dự án) cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - Chủ đầu tư Dự án xây dựng cầu vượt để thực hiện dịch chuyển vào vị trí hè mới trên đường Nguyễn Văn Huyên theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Trong số này có 34 cây sưa là loại gỗ quý, có giá trị về kinh tế. Các cây sưa này được cắt tỉa, dịch chuyển và đang được chăm sóc, bảo vệ sau khi được trồng lại.

Theo ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Ban điều hành gói thầu 12, để bảo đảm an ninh, an toàn cho các cây sưa này, nhà thầu đã lắp đặt 4 camera và bố trí lực lượng bảo vệ giám sát 24/24h. Sau khi hoàn tất việc thi công xây lắp, các cây sưa được trồng tại vỉa hè của nút giao mở rộng, trở thành điểm nhấn về mỹ quan đô thị.

Điều đáng nói là, việc "mặc giáp sắt" xung quanh các gốc cây sưa để chống trộm nhận được sự quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Tiến Thanh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Sưa là giống cây quý. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá hàng chục tỷ đồng. Tôi thấy các công nhân bọc giáp sắt cho hàng sưa này từ hơn 10 ngày trước. Việc này tôi hoàn toàn ủng hộ bởi trên địa bàn thành phố đã xảy ra khá nhiều vụ cây sưa bị đốn trộm".

Trong khi đó, chuyên gia Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: Về nguyên tắc khi dịch chuyển, đánh chuyển cây lớn, cây vẫn được giữ bộ rễ, chặt tỉa cành để hạn chế việc thoát nước. Vì mới được đánh chuyển nên rễ cây chưa bén đất, rất dễ nhổ lên. Do đó, việc bảo vệ cây là cần thiết. Khi cây ổn định sinh trưởng tốt, khả năng bám trụ vào đất vững chắc, có thể dỡ bỏ áo sắt để bảo đảm mỹ quan".

"Theo tôi quan sát và ghi nhận, việc "mặc giáp sắt" cho cây sưa tại đây hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây, song về yếu tố thẩm mỹ thì có chút ảnh hưởng...", chuyên gia Lê Huy Cường chia sẻ.

Thực tế trước đây (năm 2011), đã từng có sự việc hàng loạt cây gỗ sưa trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) cũng được quây thép quanh gốc để chống trộm. Sự việc vấp phải ý kiến phản đối từ dư luận.

Những "chiếc áo giáp" này sau đó đã được "cởi" bỏ. Để tránh những trường hợp như trên, nhiều người dân khu vực cho rằng, không nên trồng những cây gỗ có giá trị về kinh tế trên các tuyến phố, thay vào đó nên trồng những cây bóng mát không tốn nhiều công chăm sóc, bảo vệ.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/970145/vi-sao-cac-cay-sua-tren-duong-nguyen-van-huyen-phai-mac-giap-sat