Vì sao chính trị gia Anh và Mỹ kêu gọi thành lập 'NATO thương mại' chống Trung Quốc?

Các chính trị gia chủ chiến và nhóm vận động hành lang công nghiệp của Mỹ đã kêu gọi các đồng minh phương Tây thành lập một 'NATO thương mại' để chống lại 'việc vũ khí hóa những công cụ chính sách của Trung Quốc nhằm trừng phạt bất cứ nước nào không cúi đầu trước Bắc Kinh'.

Chính trị gia Anh và Mỹ kêu gọi thành lập 'NATO thương mại' chống Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Chính trị gia Anh và Mỹ kêu gọi thành lập 'NATO thương mại' chống Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Theo đề xuất này, các nước dân chủ thành lập một liên minh về thương mại cùng với những quy tắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn đã được thành lập để đối phó với Liên Xô vào năm 1949.

Theo những quy định của NATO, các thành viên nhất trí bảo vệ bất cứ nước thành viên nào trong liên minh trước một cuộc tấn công.

Báo cáo về đề xuất trên được Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc, một nhóm gồm các thành viên Đảng Bảo thủ của Quốc hội Anh và Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin, cơ quan nghiên cứu chính sách công nghệ liên quan tới các tập đoàn công nghệ lớn và chính quyền Mỹ đưa ra.

Dù chưa nhận được sự ủng hộ chính thức (chính phủ Anh từ chối bình luận về báo cáo này) song đề xuất này đã cho thấy, một nỗ lực khác của các nghị sĩ chủ chiến vốn là nhân tố để định hình chính sách của Westminster về Trung Quốc cũng như lập trường quốc gia với Bắc Kinh.

Theo các tác giả, báo cáo này nhằm đáp trả sự xâm lược ngày càng mạnh từ Trung Quốc, và sự thất bại liên miên của phương Tây khi đối phó với nước này.

Ông Stephen Olson, cựu thành viên đàm phán thương mại Mỹ cho biết, sự thật là một "NATO thương mại" đang được thảo luận cho thấy, "những đối tác thương mại của Trung Quốc đã thực sự do dự về việc liệu giao thương với Trung Quốc có thể đem lại lợi ích cho đôi bên hay không".

Còn Giáo sư về quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Trường Đại học nhân dân và cố vấn cho Quốc vụ viện nhận định rằng, bất cứ kế hoạch nào thành lập thêm những liên minh chống lại Bắc Kinh "sẽ không có lợi cho Trung Quốc", ngay cả khi nội dung chi tiết về những đề xuất như vậy vẫn mơ hồ.

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-chinh-tri-gia-anh-va-my-keu-goi-thanh-lap-nato-thuong-mai-chong-trung-quoc-149658.html