Vì sao chuyên gia lo sợ TAURUS Đức hơn ATACMS của Mỹ?

Chuyên gia quân sự Nga đã chỉ rõ đặc điểm khiến tên lửa TAURUS của Đức sẽ nguy hiểm hơn nhiều đối với Nga, so với tên lửa ATACMS của Mỹ.

Tờ Der Spiegel dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết, trong tương lai rất gần, Berlin có thể cung cấp cho chính quyền Kiev tên lửa hành trình tầm xa TAURUS.

Theo nhà phân tích quân sự, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quân sự và Chính trị Nga là ông Andrei Klintsevich, nếu việc chuyển giao như vậy thực sự diễn ra, tên lửa Đức có thể gây ra cho quân đội Nga nhiều vấn đề hơn so với tên lửa ATACMS được quảng cáo của Mỹ.

Andrei Klintsevich nói trên truyền hình rằng, bản thân tên lửa ATACMS của Mỹ đã khá cổ xưa và người Mỹ đã thay thế chúng bằng những tên lửa mới hơn.

ATACMS gần giống như Tochka-U (tên lửa chiến thuật tác chiến của Liên Xô trước đây) nên chúng sẽ dễ dàng bị hệ thống phòng không của Nga bắn hạ.

Theo chuyên gia, tên lửa ATACMS bay theo quỹ đạo đạn đạo, không có khả năng cơ động, không thể luồn lách, vòng tránh qua được được các hệ thống phòng không của Nga.

Nhưng TAURUS của Đức là cả một dòng tên lửa và chúng có ít nhất ba khả năng phóng, có thể gây nguy hiểm lớn hơn nhiều cho các mục tiêu của Lực lượng Vũ trang Nga.

Theo Klintsevich, tên lửa Đức không chỉ có thể được phóng từ máy bay chiến đấu nhưng chúng cũng có một phiên bản phóng từ container.

Trong phiên bản thứ hai, chúng có thể được phóng từ bất kỳ con tàu nào, kể cả tàu dân sự, thậm chí là cả từ bất kỳ phương tiện dân sự nào kể cả đường không, đường biển hay đường bộ, chỉ cần chúng có khả năng vận chuyển và che giấu các container phóng.

Chuyên gia Klintsevich giải thích rằng, có nghĩa là một chiếc ô tô cũng có khả năng phóng tên lửa này. Xe ô tô chỉ cần dừng ngay trên đường và tên lửa được phóng đẩy dọc theo thanh dẫn hướng, quá trình phóng xảy ra và sau đó người lái tiếp tục di chuyển trên đường.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là tên lửa phóng từ trên không, khi một loạt gồm 12 tên lửa được thả xuống từ máy bay vận tải và sau đó tất cả bắt đầu bay đi đến các tọa độ định trước.

Việc phóng loạt tên lửa khiến Nga rất khó để xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại những hệ thống như vậy.

Chuyên gia Nga cho biết thêm, TAURUS là tên lửa thế hệ mới, được chế tạo bằng công nghệ tàng hình. Nó có mặt cắt ngang hình vuông, nghĩa là nó có tín hiệu radar thấp.

Ngoài ra, tên lửa có thể bay thấp dọc theo đường chân trời, thực hiện nhiều thao tác đánh lừa khác nhau trong chuyến bay.

Chuyên gia kết luận rằng, với tính năng tàng hình, độ linh hoạt cao cùng với khả năng phóng loạt, tên lửa hành trình tấn công mặt đất TAURUS của Đức sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều đối với Nga, so với tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ.

Hoàng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-chuyen-gia-lo-so-taurus-duc-hon-atacms-cua-my-post654324.html