Vì sao đàm phán Anh-EU tiếp tục sa lầy?

Vòng đàm phán thứ 8 về quan hệ Liên minh châu Âu (EU) và Anh thời hậu Brexit đã bắt đầu diễn ra vào ngày 8-9. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đàm phán sẽ bế tắc ở 2 chủ đề chính: đánh bắt cá và điều kiện cạnh tranh. Do vậy, cuộc đàm phán này được dự đoán sẽ 'chẳng đi đến đâu'.

Cả Anh và EU đều đang bận rộn đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Vương quốc Anh “không 'nhúc nhích', họ dường như không muốn đàm phán và do vậy nhiều khả năng sẽ không có tiến triển nào diễn ra trước tháng 10/2020.” Hơn nữa, Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn tổ chức xong đại hội đảng Bảo thủ trong tháng 10, trước khi đưa ra quyết định về vấn đề Brexit.

Các cuộc đàm phán giữa London và Brussels từ lâu vẫn vướng mắc chủ yếu bởi 2 vấn đề: Thứ nhất, về đánh bắt cá, châu Âu yêu cầu không thay đổi quyền tiếp cận của ngư dân EU đối với các vùng biển của Anh, trong khi Anh ít nhất muốn quyền đánh bắt của họ phải được tăng gấp đôi trong lãnh hải của mình. Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Michel Barnier ngày 2/9 nhắc lại rằng nếu không có một giải pháp dài hạn và bền vững về vấn đề đánh bắt cá, sẽ không có quan hệ đối tác kinh tế.

Tiến trình Brexit lâu nay vẫn chìm trong bế tắc. Ảnh tư liệu

Tiến trình Brexit lâu nay vẫn chìm trong bế tắc. Ảnh tư liệu

Vấn đề thứ hai khó có thể hóa giải là các điều kiện về cạnh tranh. Để cung cấp cho Anh quyền tiếp cận ưu tiên vào thị trường nội địa: không hạn ngạch, không thuế quan, 27 nước thành viên EU muốn đảm bảo rằng London sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn của EU, đặc biệt là về hỗ trợ nhà nước. Ông Barnier đặt câu hỏi: Làm sao EU có thể ký một thỏa thuận về quan hệ đối tác kinh tế lâu dài mà lại chưa biết hệ thống hỗ trợ hoặc trợ cấp công nào sẽ được áp dụng, và không có sự đảm bảo rằng Anh sẽ không sử dụng quyền tự chủ mới của mình để tạo ra sự bóp méo cạnh tranh trong tương lai?

Trong khi đó, một quan chức cấp cao châu Âu nói rằng về vấn đề đánh bắt cá, người Anh cuối cùng sẽ có thay đổi nhưng đối với điều kiện cạnh tranh thì lại là một chuyện khác. London đã ấp ủ điều này trong nhiều tháng. Lời hứa Brexit là không tuân theo các quy tắc của châu Âu, và Vương quốc Anh cũng sẽ không còn can dự vào việc xây dựng hay sửa đổi các chính sách của EU. Chính phủ Anh nhấn mạnh rằng EU phải thừa nhận nước Anh hiện là một quốc gia có chủ quyền. Tại Brussels, người ta nhắc lại rằng Anh là một quốc gia láng giềng và việc để nước này không tuân thủ các quy tắc chung của EU sẽ dẫn đến nguy cơ rủi ro cho các nền kinh tế châu lục. Như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói, "sau Brexit, chúng ta sẽ có một đối thủ cạnh tranh ngay trước cửa nhà mình."

Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng, đặc biệt là về phía Anh và những tiết lộ của giới truyền thông thân chính phủ Bảo thủ. Ngày 6-9, Trưởng đoàn đàm phán Anh - ông David Frost, khẳng định rằng lần này, London sẽ không nhượng bộ và Anh sẽ không bao giờ là một quốc gia "chư hầu" của châu Âu.

Tờ The Spectator và The Times dự đoán rằng Thủ tướng Boris Johnson sẽ không nhượng bộ Brussels về vấn đề hỗ trợ nhà nước trong bất kỳ trường hợp nào. Do đó, cơ hội cho một thỏa thuận đúng thời hạn đã giảm xuống còn khoảng 30%-40%. Theo tờ Sunday Times ngày 6/9, cơ hội đạt thỏa thuận thậm chí giảm xuống dưới mức 20%. Trong khi đó, cùng ngày, tờ Financial Times tiết lộ rằng chính phủ của Thủ tướng Johnson đang chuẩn bị công bố một dự luật được cho là sẽ đảo ngược toàn bộ các phần trong thỏa thuận "ly hôn" đã ký năm 2019, đặc biệt là về những nội dung liên quan tới thuế quan vốn rất nhạy cảm ở Bắc Ireland.

Ngày 7-9, Trưởng đoàn đàm phán EU Barnier nhấn mạnh rằng mọi thứ đã ký phải được tôn trọng. Thủ tướng Anh cùng ngày tuyên bố nước Anh vẫn có thể thịnh vượng ngay cả khi không có thỏa thuận. Một thỏa thuận, nếu có, sẽ phải đạt được tại cuộc họp thượng đỉnh EU vào ngày 15/10 tới, còn nếu không sẽ không thể có thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Khi đó, Anh và EU sẽ có một thỏa thuận thương mại “kiểu Australia”, tức là theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Johnson chỉ rõ rằng đó sẽ là một kết quả tốt đẹp đối với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nếu EU sẵn sàng xem xét lại lập trường của mình, ông sẽ rất vui mừng. Thế nhưng, Anh không thể và không muốn thỏa hiệp trên các điều kiện về độc lập dân tộc.

Chỉ một năm trước, giới truyền thông và Chính phủ Anh đã sử dụng cùng một kiểu tuyên bố. Khi đó là về việc kết thúc các cuộc thảo luận bất tận về các điều khoản của cuộc "ly hôn" giữa Anh và EU - bế tắc bởi vấn đề biên giới hải quan giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland của Anh. Và Chính phủ Anh tuyên bố rằng họ thà chấp nhận khả năng "không có thỏa thuận" còn hơn là có một thỏa thuận tồi. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10/2019, sau nhiều tuần lên tiếng và tỏ vẻ từ chối đàm phán, ông Boris Johnson cuối cùng vẫn ký thỏa thuận "ly hôn" với EU.

Liệu điều này có lặp lại vào năm 2020? Và chúng ta có phải đợi những tuyên bố hùng hồn hơn từ phía Anh và những bận tâm của phía châu Âu về "sự bi quan" của các nhà ngoại giao Brussels khi sự tuyệt vọng do sự thiếu vắng các "đề xuất của Anh"? Ở London, một số nhà bình luận nhấn mạnh sự nguy hiểm của một kịch bản "không thỏa thuận," họ cho rằng điều này sẽ tạo thuận lợi cho phe ly khai Scotland, vốn chiếm được vị trí cao nhất trong các cuộc thăm dò gần đây. Nguy cơ này được Anh đánh giá là “nghiêm túc”. Nhưng việc tranh cãi với Brussels có thể làm phân tán dư luận trong nước khi ông Boris Johnson đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì những thất bại trong xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19, bao gồm cả từ nội bộ đảng Bảo thủ, nơi ngày càng có nhiều tiếng nói lo lắng về việc ông Johnson thiếu tầm nhìn và khả năng lãnh đạo.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-dam-phan-anh-eu-tiep-tuc-sa-lay-209292.html