Vì sao Dự án Bắc Sơn - Sông Hồng chậm tiến độ?

Dự án (DA) Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng triển khai thực hiện tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) gần 10 năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch. Việc để chậm tiến độ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân vùng DA. Tìm hiểu thực tế cho thấy, quá trình triển khai DA của nhà đầu tư gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân chính khiến Dự án chậm tiến độ.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân chính khiến Dự án chậm tiến độ.

DA trên được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ tháng 10-2009, nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng chính thức triển khai năm 2011. DA có tổng diện tích 15,22ha, vốn đầu tư 266 tỷ đồng, thời gian thực hiện DA từ năm 2009 đến 2013, số hộ bị ảnh hưởng phải di dời là 338 hộ. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chuyên môn mới thống kê, kiểm đếm được 253 hộ, trong đó có 122 hộ được phê duyệt phương án bồi thường. Trong cả giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, nhà đầu tư mới chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 82 trường hợp với số vốn trên 70 tỷ đồng. Theo ông Đới Duy Hậu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án, vẫn còn 85 hộ dân chưa đồng ý cho cơ quan chuyên môn của Thành phố vào thống kê, kiểm đếm. Hiện tại, nhà đầu tư đang tập trung triển khai hạng mục tái định cư (TĐC) nhưng gặp rất nhiều trở ngại. Việc để chậm tiến độ và kéo dài thời gian thực hiện DA đã gây bức xúc đối với người dân vùng sở tại, gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, tác động xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân khiến DA bị chậm tiến độ kéo dài. Chúng ta đều biết, muốn triển khai DA, khâu quan trọng nhất chính là phải GPMB, mà muốn có mặt bằng, trước tiên phải xây dựng khu TĐC. Với DA này, khu TĐC được quy hoạch rộng 4ha, quá trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn thi công 2ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số hộ dân không đồng ý với giá bồi thường áp theo quy định của Nhà nước mà đề nghị phải tương đương với giá thị trường, nên xảy ra tình trạng GPMB theo kiểu “xôi đỗ”, khi nhà đầu tư triển khai liền bị một số hộ dân ngăn cản. Trong khi đó, theo quy định mới của Luật Đất đai, diện tích bố trí TĐC cho các hộ dân phải bằng diện tích đất ở mà họ bị thu hồi, nên với 4ha đất TĐC như ban đầu, thực tế sẽ không đủ quỹ đất TĐC cho số hộ bị ảnh hưởng của DA. Do đó, hiện tại nhà đầu tư đang thiếu quỹ đất TĐC.

Nhiều hạng mục của dự án được thi công dang dở trong nhiều năm đã gây bức xúc cho người dân sở tại.

Nhiều hạng mục của dự án được thi công dang dở trong nhiều năm đã gây bức xúc cho người dân sở tại.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai DA, nhà đầu tư đã phải 4 lần thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch do có yếu tố phát sinh. Đó là, điều chỉnh một phần diện tích vì trùng với quy hoạch của Trường Chính trị tỉnh; điều chỉnh một phần diện tích để làm nhà văn hóa tổ 6, 7, 8 phường Hoàng Văn Thụ; điều chỉnh quy hoạch để Công ty Khai khoáng miền núi làm trụ sở và điều chỉnh quy hoạch cắt 3ha đất dành cho DA đường Bắc Sơn kéo dài. Quá trình điều chỉnh quy hoạch mất khá nhiều thời gian do phải cắm mốc, trích đo lại thửa đất thu hồi, khái toán DA cùng một số thủ tục khác kèm theo.

Trước thực tế trên, để đảm bảo yêu cầu về tính khả thi của DA cũng như bài toán kinh tế đối với nhà đầu tư, xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư và thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 9-2018, UBND tỉnh đã ra quyết định điều chỉnh DA. Theo đó, tổng vốn đầu tư của DA đã tăng từ 266 tỷ đồng lên 516,3 tỷ đồng, trong khi đó diện tích điều chỉnh theo hướng giảm (không tính diện tích hồ điều hòa) từ 15,22ha xuống còn 13,7ha. Việc tăng vốn đầu tư là do chi phí bồi thường GPMB, đơn giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng; do điều chỉnh quy hoạch nên mặt cắt đường giao thông trong DA tăng từ 8,5m lên 12,5m…

Để cải thiện tiến độ DA, nhà đầu tư đề nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng DA nắm bắt đầy đủ các quy định của Nhà nước về đất đai, bồi thường GPMB. Đề nghị UBND T.P Thái Nguyên tiếp tục quan tâm thực hiện công tác GPMB, nhất là mặt bằng khu TĐC; thay đổi hoạt động của tổ công tác thực hiện GPMB theo hướng trách nhiệm, hiệu quả; tạo điều kiện bố trí quỹ đất TĐC ngoài DA… Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Thế Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng khẳng định: Nhà đầu tư có đủ năng lực và rất quyết tâm thực hiện DA.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dau-tu/vi-sao-du-an-bac-son-song-hong-cham-tien-do-266820-102.html