Vì sao Hà Nội hứng hàng nghìn cú sét trong sáng nay?

Có hơn 7.000 lượt sấm sét dội xuống đất trong sáng nay ở khu vực Hà Nội.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Phương - Trưởng Phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với báo chí ngày 5.6.

Theo ông Phương, trong hơn 3 giờ (6 đến 9 giờ 30 phút) có tổng số hơn 10.500 cú sét hình thành tại khu vực Hà Nội và một phần các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, trong đó 7.153 cú sét đánh xuống mặt đất.

Cụ thể, lúc 6 - 7 giờ, có 3.513 cú sét hình thành, trong đó 2.322 cú sét đánh xuống đất. Khoảng 7 - 8 giờ, 4.060 cú sét hình thành, trong đó 2.855 tia dội xuống đất. Đến 8 - 9 giờ có hơn 2.642 lượt sét thì hơn 1.848 cú sét dội xuống mặt đất. Từ 9 - 9 giờ 30 phút, có 296 cú sét, trong đó 128 cú sét đánh xuống đất.

Ông Phương cho hay từ 7 đến 8 giờ là thời điểm nhiều dông sét nhất, có tới 2.855 cú sét. Trung bình 10 phút có 475 cú sét đánh xuống đất tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận. Có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận.

Số tia sét ở Hà Nội trong sáng nay (475 cú sét/10 phút) là hoàn toàn bình thường khi so sánh với các đợt dông sét gần đây ở miền Bắc. Hiện nay, mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế.

Mạng lưới định vị sét của nước ta hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét trong mây và xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC). Với mạng lưới các đầu đo hiện tại thì khoảng cách mà các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400-600km.

Như vậy, ngoài khu vực đất liền của Việt Nam thì các trạm định vị sét có thể phát hiện cả sét trên biển và khu vực gần biên giới của các nước lân cận Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và sáng nay, khu vực Bắc Bộ đặc biệt là đông Bắc Bộ đã có mưa to và rất to. Mưa lớn đã khiến một số tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu như đường Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm), Mỹ Đình, Thụy Khuê, Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Dương Đình Nghệ...

Khu vực Lai Châu, Lào Cai mưa trên 200mm; các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang ghi nhận mưa trên 100mm; đặc biệt khu vực Hà Nội vào đêm qua và sáng nay đã xuất hiện mưa to đến rất to, tập trung ở quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, đều mưa trên 100mm.

Nguyên nhân của đợt mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ lần này là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ bị nén bởi không khí lạnh ở phía bắc. Đây là nguyên nhân gây mưa đặc trưng cho Bắc Bộ trong tháng 5 và tháng 6. Cần lưu ý, hình thái mưa dông vào thời điểm này mang theo nhiều sấm, sét và lốc xoáy.

Trong những ngày tới, rãnh áp thấp vẫn tồn tại nhưng không khí lạnh đã suy yếu nên mưa lớn không còn tập trung nhiều như đêm qua và sáng nay, mưa giảm nhưng vẫn cảnh báo hiện tượng giông lốc, sấm, sét. Từ ngày 7 - 9.6, ở Bắc Bộ chỉ còn mưa rào và dông, cục bộ có mưa to vài nơi.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, khi trời mưa dông thường hay xảy ra hiện tượng sấm chớp và sét. Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-ha-noi-hung-hang-nghin-cu-set-trong-sang-nay-218031.html