Vì sao hàng loạt lãnh đạo 2 thành phố lớn bị kỷ luật?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến những 'đại án' xảy ra tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo UBKTTƯ, vi phạm của các tập thể, cá nhân đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền thành phố.

4 Phó chủ tịch, nguyên Phó chủ tịch TP Hà Nội bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách

6 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND TP Hà Nội, gồm 4 Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch; nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và nguyên Chánh Thanh tra TP. Hà Nội bị UBKTTƯ kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư kỷ luật. Cụ thể, cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Sở KH-ĐT TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo các ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP), Nguyễn An Huy (Chánh Thanh tra TP Hà Nội); khiển trách các ông Nguyễn Doãn Toản (Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP), ông Nguyễn Mạnh Quyền (Phó Chủ tịch UBND TP), ông Hà Minh Hải (Phó Chủ tịch UBND TP, nguyên Giám đốc Sở Tài chính).

Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự UBND thành phố, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp trong các vụ án liên quan. Ông Nguyễn Văn Tứ chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy cơ quan Sở KH-ĐT; làm trái quy định về đấu thầu.

Về vi phạm trong vụ mua chế phẩm làm sạch nước hồ, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy ký 2 kết luận thanh tra “vênh nhau”.

Những vi phạm của các cá nhân trên do liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan, được tách ra từ vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan theo quyết định tách vụ án hình sự số 01/CSKT-P9 ngày 7-1-2021. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Theo nội dung vụ án, ông Nguyễn Đức Chung đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở KH-ĐT TP Hà Nội. Cụ thể, chỉ đạo Sở KH-ĐT TP Hà Nội cho Công ty Nhật Cường vào làm thí điểm công tác số hóa để lấy lý do sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu. Kết quả, chỉ có 55% tài liệu gói số hóa tài liệu đăng ký doanh nghiệp năm 2016 và 38% tài liệu gói số hóa tài liệu đăng ký hồ sơ doanh nghiệp năm 2017 được hoàn thành. Đến nay UBND TP Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung của TP. Cơ quan chức năng xác định, các bị can gây thiệt hại tài sản của Nhà nước số tiền 26,5 tỉ đồng.

Chánh Thanh tra ký 2 kết luận thanh tra “vênh nhau”

UBKTTƯ cũng đề nghị thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội. Ông Huy chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan. Quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water (Cộng hòa Liên bang Đức) qua Công ty Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn TP Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Ông Trần Vĩnh Tuyến và các bị can trong vụ án liên quan sai phạm Sagri.

Điều đáng nói là trước đó, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy ký 2 kết luận thanh tra có nội dung khác nhau về cùng vụ việc trên. Cụ thể, ngày 12-2-2020, ông Huy ký Kết luận thanh tra số 555 về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP Hà Nội. Nội dung thể hiện, từ năm 2016 đến quý I-2019, Công ty Thoát nước Hà Nội đã mua hơn 403 tấn, giá trị hơn 137 tỉ đồng của Công ty Arktic. Trong việc mua, quản lý và sử dụng chế phẩm này còn một số tồn tại.

Tuy nhiên, đến ngày 26-2-2020, ông Nguyễn An Huy lại ký một văn bản khác, đó là Kết luận số 794 thay thế Kết luận số 555. Ở Kết luận số 555, Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra một loạt tồn tại, nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan đến việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C. Nhưng, những tồn tại, những thiếu sót, những kiến nghị nêu trên của Thanh tra TP Hà Nội đã biến mất hoàn toàn khi Kết luận số 794 được ban hành sau đó nửa tháng. Ở Kết luận 794 do Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy ký, tại phần kiến nghị chỉ vỏn vẹn 2 dòng: Thanh tra TP Hà Nội đề nghị UBND TP giao Thanh tra TP tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra. Các thiếu sót của đơn vị này, cá nhân kia ở Kết luận 555 đã hoàn toàn “vắng mặt” ở Kết luận số 794. Và, các kiến nghị yêu cầu ông này, ông kia rút kinh nghiệm cũng không còn.

Khai trừ Đảng nhiều cán bộ liên quan 4 “đại án” tại TP Hồ Chí Minh

Cũng tại kỳ họp này, UBKTTƯ xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm liên quan 4 vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong đó, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc chấp thuận thay đổi chủ trương, chuyển nhượng quyền đầu tư dự án không qua đấu giá cho doanh nghiệp, giao đất có thu tiền sử dụng đất... trái pháp luật.

Các ông Tề Trí Dũng, Lê Tấn Hùng và Nguyễn Hoài Nam bị khai trừ khỏi Đảng.

Những vi phạm của ông Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hoài Nam liên quan đến việc chuyển đổi khu nhà đất số 8-12 đường Lê Duẩn có tổng diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu nhà nước sang tư nhân. Cụ thể, năm 2007 ông Nguyễn Thành Tài, ký nhiều quyết định giao lô đất cho tư nhân (Công ty Lavenue) tham gia thực hiện dự án. Dù biết rõ khu đất là thuộc sở hữu Nhà nước nhưng ông Nguyễn Thành Tài và ông Nguyễn Hoài Nam vẫn ký giao cho tư nhân, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Hậu quả, gây thất thoát, lãng phí của Nhà nước số tiền hơn 1.927 tỉ đồng.

UBKTTƯ nhấn mạnh, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP chịu trách nhiệm trong việc đồng ý cho chuyển nhượng dự án trái pháp luật tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Trong đó, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của SAGRI. Những vi phạm này liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí”; “Tham ô tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Che giấu tội phạm” xảy ra tại UBND TP Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Theo đó, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TP chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Phong Phú. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn biết việc dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trên do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng công ty Phong Phú. Hậu quả, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 672 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Lê Tấn Hùng và đồng phạm tham ô hơn 13 tỉ đồng của SAGRI trong việc lập khống các hợp đồng đưa cán bộ đi nước ngoài tập huấn.

Một trong những dự án chuyển nhượng trái quy định tại TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo nội dung kết luận của UBKTTƯ, ông Tề Trí Dũng với cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Công ty IPC và Công ty SADECO; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cố ý phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, sử dụng tiền của Công ty SADECO đi tham quan, du lịch nước ngoài, duyệt chi nhiều khoản tiền trái quy định, tham ô 1,727 tỉ đồng.

Đây là những vi phạm liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận. Theo nội dung vụ án, các bị can đã có hành vi sai phạm khi Sadeco bán 9 triệu cổ phần với giá rẻ cho Công ty Nguyễn Kim, dẫn đến thất thoát cho Sadeco 1.103 tỉ đồng. Trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh thiệt hại 485 tỉ đồng, vốn Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị thiệt hại 184 tỉ đồng, phần còn lại là thiệt hại của các cổ đông.

UBKTTƯ khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Hoài Nam, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/vi-sao-hang-loat-lanh-dao-2-thanh-pho-lon-bi-ky-luat--i623445/