Vì sao người bỗng dưng trúng số thường rơi vào bi kịch?

Nhiều chủ nhân của giải độc đắc thừa nhận việc trúng xổ số giống như một lời nguyền, khiến họ lao vào cuộc sống sa ngã, mất hết người thân, bạn bè và tiền bạc.

 Khối tài sản của Michael Carroll nhanh chóng tiêu tan và lần lượt bị bán tháo. Ảnh: Daily Mail.

Khối tài sản của Michael Carroll nhanh chóng tiêu tan và lần lượt bị bán tháo. Ảnh: Daily Mail.

Trong những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Bloke's Progress, Darren Bloke, nhân vật chính, được khắc họa là một người bình thường, khá chăm chỉ dù công việc có chút tẻ nhạt.

Cuộc sống của Darren cũng căng thẳng vì có quá nhiều hóa đơn phải trả, đường đi làm đông đúc và bị phiền nhiễu bởi tiếng khóc của lũ trẻ.

Cho đến khi Darren trúng xổ số, mọi thứ xung quanh anh thay đổi và rắc rối bắt đầu xuất hiện từ đó.

Đầu tiên, Darren bị bạn bè ghẻ lạnh, liên tục đòi tiền. Anh đi chơi với những người giàu có hơn nhưng luôn cảm thấy lạc lõng. Darren ly dị vợ và kết hôn với một người phụ nữ khác. Sau đó, cô ta ly hôn với anh rồi lấy đi một phần của cải.

Cứ như vậy, Darren phung phí vận may của mình, mất tất cả trừ chú chó Skittle yêu quý.

Nhanh chóng trắng tay

Trong Bloke's Progress, Darren được cứu nhờ cuộc trò chuyện với linh hồn của John Ruskin, nhà nhà phê bình nghệ thuật có con mắt tinh tường nổi tiếng từ những năm 1800.

Câu chuyện về Darren Bloke khá tương đồng với những điều xảy ra với người trúng độc đắc trong thời hiện đại, theo The Straits Times.

Tờ The Courier Journal từng đưa tin về David Lee Edwards (sống tại Ashland, bang Kentucky, Mỹ), người giành được 27 triệu USD vào năm 2001. Sau đó, anh đã tiêu hết vào chất cấm, siêu xe và một chiếc máy bay Learjet.

Khi không còn một xu dính túi, David phải sống trong một nhà kho suốt 5 năm và qua đời ở đó.

Một trường hợp khác là Michael Carroll (sinh năm 1983, đến từ thị trấn Swaffham Norfolk, Anh). Năm 2002, Michael may mắn trúng giải độc đắc trị giá lên tới 9,7 triệu bảng Anh sau khi chỉ bỏ ra 1 USD để mua vé số.

Từ khi bất ngờ giàu lên, anh đã bỏ công việc thu gom rác, bắt đầu tiệc tùng bê tha và sa ngã vào những kế hoạch ăn chơi trác táng.

Michael Carroll quay lại công việc thu gom rác sau khi phá sản. Ảnh: USA Today.

Michael Carroll quay lại công việc thu gom rác sau khi phá sản. Ảnh: USA Today.

8 năm sau sự kiện trúng số, Michael tuyên bố phá sản và phải nhận trợ cấp cho người thất nghiệp. Cuộc đời xuống dốc, hôn nhân đổ vỡ, bản thân anh cũng hầu tòa 30 lần vì sử dụng chất cấm, ẩu đả và nhiều lý do khác nhau, theo The Guardian.

Bi kịch này xảy ra tương tự với Lee Ryan, ngoài 60 tuổi, sống tại Anh. Ông trúng giải độc đắc gần 9 triệu USD vào năm 1995. Nhờ số tiền đó, ông mua được biệt thự, siêu xe, trực thăng riêng và tận hưởng cuộc sống xa hoa như mơ ước.

Tuy nhiên, sau nhiều lần kinh doanh thất bại, khối tài sản đó nhanh chóng tiêu tan. Lee lâm vào cảnh vô gia cư, phải ngủ trên đường phố. Ông thừa nhận việc trúng số không khác gì lời nguyền, khiến người may mắn gặp nhiều sóng gió, tai ương.

Khả năng phá sản ngang nhau

Thế nhưng, trong khi những câu chuyện trên đã ăn sâu vào ký ức của nhiều thế hệ và trở thành bài học giáo huấn đạo đức, số phận của từng cá nhân không phải lúc nào cũng đi theo chiều hướng như vậy.

Đầu tiên, không phải ai cũng bị bạn bè lợi dụng xin tiền hoặc buộc tội xấu tính như Darren Bloke.

Một nghiên cứu của Joan Costa Font thuộc trường Kinh tế London và Nattavudh Powdthavee đến từ trường Kinh doanh Warwick cho thấy những người trúng 10.000 bảng Anh dành nhiều thời gian hơn để giao lưu với bạn bè so với hàng xóm.

Kết quả này có phần giống với khảo sát được công bố vào năm 2016 của Emily Bianchi và Kathleen Vohs, chỉ ra rằng không ít người Mỹ khi trở nên phát đạt có xu hướng trò chuyện với bạn bè nhiều hơn, thay vì hàng xóm và gia đình.

Lời giải thích đơn giản nhất là tiền giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp xã hội từ niềm vui thuần túy, đồng thời giảm nhu cầu duy trì các mối quan hệ vì những lý do thực tế, chẳng hạn chia sẻ việc chăm sóc con cái.

Thứ hai, những người trúng xổ số được cho là sẽ nhanh chóng trắng tay và rơi vào cảnh nghèo đói.

Theo báo cáo của các nhà kinh tế học Scott Hankins, Mark Hoekstra và Paige Marta Skiba dựa trên 35.000 trường hợp trúng xổ số ở Florida, 2.000 người trong số đó đã nộp đơn xin phá sản.

Hankins, Hoekstra và Skiba phát hiện ra rằng người may mắn nhận được “số tiền từ trên trời rơi xuống” có nhiều khả năng tán gia bại sản hơn nhóm không trúng.

Có lẽ điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì những người tin vào vận may thường có thu nhập thấp và hầu hết họ không tích cóp được nhiều tiền. Ngoài ra, khả năng phá sản xảy ra ngang nhau cho dù giành được 10.000 USD hay 50.000 USD.

Thứ ba, câu hỏi được đặt ra là những người trúng xổ số có bỏ việc như Darren Bloke hay không?

Theo một thống kê về nhóm nhận được trung bình 2 triệu SEK (khoảng 200.000 bảng Anh) từ trò may rủi tại Thụy Điển trong giai đoạn giữa những năm 1990 đến năm 2005, con số này gấp khoảng 8 lần mức lương hàng năm của một y tá hoặc cảnh sát vào thời điểm đó.

 Nhiều người trúng độc đắc thường phung phí vận may của mình vào con đường tội lỗi. Ảnh: Insider.

Nhiều người trúng độc đắc thường phung phí vận may của mình vào con đường tội lỗi. Ảnh: Insider.

Các nhà nghiên cứu, Bengt Furaker và Anna Hedenus, cho rằng một số người chiến thắng đã giảm giờ làm hoặc xin nghỉ không lương, nhưng 62% vẫn tiếp tục làm việc như trước và chỉ 12% bỏ việc hoàn toàn.

Điều này có thể là do giải độc đắc không đủ lớn để khiến họ phải nghỉ hẳn hoặc người đó yêu thích công việc của mình.

Theo kết luận của Erik Lindqvist, Robert Östling và David Cesarini, nhóm phân tích về các trường hợp trúng số ở Thụy Điển, những người giành được số tiền khổng lồ hài lòng hơn về cuộc sống, đặc biệt là tình hình tài chính.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiêu xài vào các kế hoạch liều lĩnh hoặc phung phí giải thưởng. Vì thế, cuộc đời sau khi trúng độc đắc sẽ xuống dốc hay thăng hoa phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của từng cá nhân.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-bong-dung-trung-so-thuong-roi-vao-bi-kich-post1421642.html